Các gara ô tô truyền thống cần nâng cấp nhiều phương diện để "phục vụ" được các loại xe điện.
Do đặc thù ít linh kiện chuyển động, các loại xe điện hầu như không đòi hỏi bảo trì, bảo dưỡng trong những năm đầu sử dụng. Xe sử dụng động cơ đốt trong với hàng loạt phụ tùng phức tạp, với động cơ và hộp số cần bảo dưỡng, thay thế một số phụ tùng theo định kỳ.
Xe điện chỉ dùng mô tơ điện di chuyển bằng nguồn năng lượng từ pin. Tesla đề nghị người dùng chỉ thay thế lọc gió điều hòa trong 3 năm đầu sử dụng xe, trong khi Ford chỉ yêu cầu thay dầu phanh sau 3 năm sử dụng xe và lọc gió điều hòa sau 20 vạn dặm đối với chiếc bán tải F-150 Lightning. Mặc dù cũng sử dụng nước làm mát, nhưng nước làm mát trên xe điện chỉ dùng để ổn định nhiệt độ pin, do đó gần như không cần thay thế trong vòng đời xe.
Thực tế này đồng nghĩa mức chi tiêu của các chủ xe điện trong giai đoạn đầu sử dụng hầu như không đáng kể, dẫn tới nhiều khó khăn đối với các trung tâm sửa chữa, dịch vụ, đặc biệt là các cơ sở không có nguồn lực tài chính hùng hậu hỗ trợ từ “chính hãng”.
Nghiên cứu của Consumer Report (Mỹ) cho thấy, chi phí trung bình bảo dưỡng xe điện chỉ bằng một nửa so với xe xăng trong suốt vòng đời. Trong khi đó, Viện Công nghệ ô tô Hàn Quốc (KATECH) năm 2023 cho biết, trong quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện như hiện nay, nhu cầu sửa xe giảm khoảng 30%.
Đặc thù công nghệ cao khép kín của xe điện khiến việc can thiệp trong các tình huống sửa chữa đòi hỏi thiết bị và kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin - điều mà các thợ máy truyền thống thường thiếu hụt. Thao tác với pin điện áp cao cũng có những yêu cầu riêng, đặc biệt là trong phòng, chống cháy nổ. Dòng điện lên tới 800V ở các loại xe điện đời mới có thể gây ra những thiệt hại đáng kể về tài sản và con người nếu không được đào tạo cẩn trọng. Chi phí mua sắm trang bị và đào tạo nhân lực phục vụ những tiêu chí mới này đương nhiên không rẻ.
Hệ quả là, các gara ô tô truyền thống trên toàn cầu, nhất là ở các quốc gia có tốc độ phổ cập xe điện nhanh chóng, đang rơi vào thế khó. Chủ sở hữu của xưởng ô tô Jack's Garage chuyên về Volkswagen ở North Kensington (London, Anh) cho rằng, những nhà xưởng độc lập rất khó khăn trong việc đảm bảo khả năng chi trả cho các loại chi phí trong bối cảnh doanh thu giảm, còn yêu cầu mua sắm, đào tạo lại tăng mạnh.
Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc, trong 13 năm qua, số lượng gara sửa chữa, bảo dưỡng ô tô ở nước này đã giảm gần 1.000 cửa hàng, tương đương 24,9%. Cụ thể, từ 3.711 gara sửa xe trong tháng 9-2010 giảm xuống còn 2.786 xưởng trong tháng 9-2023.
Việc các gara sửa chữa đóng cửa là do xe điện ngày càng phổ biến. Cùng với đó, nhu cầu về dịch vụ sửa chữa ngày càng giảm, khi xe cũ dưới áp lực chuyển đổi dễ bị loại bỏ thay vì mang đi sửa.
Một số người cho rằng, ở kịch bản cực đoan, có thể sẽ xảy ra hiện tượng mất cân bằng trong ngành sửa chữa, bảo dưỡng. Hiện có quá ít gara và kỹ thuật viên đủ khả năng sửa chữa xe điện, trong khi quá nhiều xưởng truyền thống phải đóng cửa, thợ máy lành nghề chưa tiếp cận được kỹ năng mới. Tại Anh, một trong những nước triển khai xe điện khá quyết liệt, mới chỉ có 20% thợ cơ khí ô tô có đủ điều kiện làm việc với xe điện, tập trung chủ yếu ở các nhà xưởng chính hãng.
Xu hướng này được dự báo sẽ không chỉ gây khó khăn cho người sử dụng ô tô, mà còn cản trở đáng kể các nỗ lực chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông xanh. Chủ tịch Hiệp hội Ô tô tương lai Hàn Quốc Lim Ki-sang cho rằng, các chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ các gara sửa chữa truyền thống có thể trở thành trung tâm dịch vụ cho xe điện.
Gửi phản hồi
In bài viết