Cầu Nà Kham, thôn Nà Kham, xã Năng Khả (Na Hang) vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng do đảng viên và nhân dân hiến đất.
Hy sinh lợi riêng vì lợi chung
Đến thôn Nà Kham, xã Năng Khả (Na Hang) hôm nay, diện mạo của một vùng quê trước đây còn nhiều khó khăn nay đã đổi khác. Con đường nội thôn, liên thôn đã được bê tông hóa đạt gần 100%, cầu bắc qua suối cũng đã hoàn thành, giúp nhân dân đi lại thuận tiện. Nhắc đến Nà Kham nhiều người thường nói đến phong trào hiến đất làm đường, làm cầu của đảng viên. Từ phong trào hiến đất của đảng viên đã lan tỏa đến nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Theo đồng chí Hoàng Thị Huế, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Nà Kham cho biết, vừa qua thôn triển khai bê tông hóa 600 mét đường nội đồng, nếu không có 32 hộ hiến trên 7 nghìn m2 đất thì thôn không thể thành công được. Vận động nhân dân đồng thuận hiến đất theo chị Huế khá nan giải khi nhân dân mong muốn được đền bù một phần hoa màu, tài sản trên đất. Có hộ tuyên truyền 3, 4 lần không thông nhưng bằng tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” của nhiều đảng viên trong chi bộ đã khơi dậy tinh thần đồng lòng của nhân dân, trong đó có những hộ khó vận động nhất.
Ông Hoàng Văn Đông, người dân trong thôn từ chỗ chưa đồng thuận hiến đất, khi thấy đảng viên tích cực hiến đất, gia đình ông cũng hiểu ra nên đã hiến 300 m2 đất ruộng của gia đình cho thôn làm đường. Cũng trong đầu năm nay, thôn triển khai làm xong cây cầu bắc qua suối để nhân dân đi lại. Cây cầu hoàn thành có sự hiến đất của 8 hộ dân với diện tích hiến là 850 m2 đất, trong đó có 2 đảng viên hiến nhiều nhất với diện tích hiến là 450 m2 đất ruộng.
Đảng viên chi bộ thôn Đồng Trang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) giúp đỡ hộ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng công trình vệ sinh.
Thôn Đồng Trang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) có 5 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 50%. Nhằm xây dựng nếp sống văn hóa trong đồng bào các dân tộc, nhất là dân tộc Mông, đồng chí Bàn Văn Sơn xác định cần phải tuyên truyền về tinh thần nêu gương của đảng viên đến nhân dân. Trước hết là đảng viên cần đi đầu trong xây dựng 3 công trình vệ sinh đạt chuẩn. Hiện nay, 100% đảng viên trong chi bộ đều đã có 3 công trình vệ sinh đạt chuẩn. Từ đầu năm đến nay, các đảng viên trong chi bộ đã tuyên truyền, bỏ thời gian, công sức để giúp đỡ 6 hộ người Mông có hoàn cảnh khó khăn làm nhà vệ sinh. Anh Mông Tuấn Vũ, dân tộc Mông chia sẻ: “Chính sự tiên phong, nêu gương của đảng viên trong xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, bản thân tôi đã quyết tâm chỉnh trang lại nhà cửa, xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn. Các đảng viên đã giúp đỡ gia đình tôi tích cực, đóng góp ngày công lao động để gia đình tôi hoàn thành công trình vệ sinh. Có công trình vệ sinh đạt chuẩn, cuộc sống của gia đình tôi sẽ ổn định và lành mạnh hơn, tránh được bệnh tật”.
Nhà nhà làm kinh tế
Ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhằm thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào, đảng viên đã tiên phong đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao. Đó chính là những tấm gương điển hình trong phong trào thi đua làm kinh tế giỏi để bà con học tập. Bí thư chi bộ thôn Xít Xa, xã Minh Khương (Hàm Yên) Triệu Văn Thu là tấm gương điển hình như vậy, Hơn 20 năm làm bí thư chi bộ, anh Thu luôn gương mẫu phát triển kinh tế và giúp đỡ nhân dân. Trước kia, người dân tộc Dao đỏ ở Xít Xa chủ yếu trồng ngô, lúa, thậm chí có diện tích đất đồi bỏ không, anh Thu đầu tư trồng cam trên 2 ha đất đồi. Nhưng trồng cam cũng không cho hiệu quả cao vì thổ nhưỡng không phù hợp, anh Thu lại chuyển sang trồng quế. Hiện nay, rừng quế của gia đình anh đã 7 năm tuổi, bắt đầu cho tỉa cành, bóc vỏ để bán cho thương lái. Thấy trồng quế hơn hẳn các loại cây trồng khác, anh Thu đưa ra các cuộc họp chi bộ, vận động đảng viên trồng quế. Dần dần đảng viên trồng rồi nhân dân học theo và trồng, đến nay thôn đã có 36 ha quế và 20 ha cây ăn quả. Anh Vũ Văn Thu, người dân thôn Xít Xa phấn khởi cho biết: “Học theo bí thư chi bộ, gia đình mình cũng trồng quế. Đến nay, mình có 3 ha quế chuẩn bị cho khai thác. Nếu được giá, mỗi ha quế cũng cho thu 150 triệu đồng trở lên”.
Ở thôn Xít Xa, xã Minh Khương (Hàm Yên), nhiều tuyến đường được bê tông hóa nhờ tinh thần hiến đất của đảng viên và nhân dân.
Thôn Pác Cháng, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) có 91 hộ đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Nhờ tinh thần dám nghĩ dám làm của đảng viên, đời sống của người dân nơi đây từng bước khấm khá. Trong thôn đã xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi dúi, trồng rừng, nuôi lợn, gia cầm, sản xuất bún khô của đảng viên mang lại thu nhập cao. Thôn cũng đã duy trì hiệu quả Tổ hợp tác nuôi dúi nhiều năm qua với 7 thành viên tham gia. Đảng viên Triệu Tiến Duân là người có công đầu tiên trong nhân rộng các mô hình nuôi dúi ở thôn. Năm 2017, anh Duân bắt tay nuôi dúi. Vừa nuôi thử nghiệm vừa tìm cách chăm sóc tốt và tìm kiếm thị trường, anh Duân dần dần mở rộng quy mô nuôi dúi, có thời điểm anh nuôi tới 300 con dúi sinh sản và thương phẩm. Thu lãi từ nuôi dúi có lúc lên tới 100 triệu đồng/năm. Thấy nuôi dúi có khả năng mở ra cơ hội thành công, anh Duân nghĩ tới thành lập Tổ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi cho bà con nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Vĩnh Lạc, Bí thư Đảng ủy xã Linh Phú cho biết, chính tinh thần nêu gương của đảng viên trong xã đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào thi đua làm giàu, thoát nghèo. Nhiều đảng viên đã làm chủ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Điều đó đã khẳng định vai trò đầu tàu của đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực tế cho thấy, ở nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nếu đảng viên gương mẫu sẽ có tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức, hành động của nhân dân, dễ khơi dậy được sự đồng lòng, tin tưởng của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Gửi phản hồi
In bài viết