Những ngày cam go
Những ngày đầu tháng 11-2021, khi những cơn gió lạnh bắt đầu tràn về, cũng là thời điểm huyện vùng cao Lâm Bình phát hiện 2 ca dương tính đầu tiên trong cộng đồng. Người dân khắp bản làng vùng cao, ai cũng lo lắng bởi dân bản cuộc sống vốn còn khó khăn, nay đại dịch tràn về khó khăn càng nhân lên bội phần. Những ngày tiếp theo, những ca F0 liên tục tăng. Từ thị trấn Lăng Can đến các xã Xuân Lập, Phúc Yên... các ca bệnh đều tăng. Khó khăn hơn cả, nhiều ca bệnh và các F1 là những học sinh. Hầu hết các em hoàn cảnh gia đình khó khăn, xa gia đình học nội trú hoặc bán trú.
Những ngày đầu dịch bệnh khó khăn ấy, nhóm thiện nguyện “Trái tim Lâm Bình” đã bắt tay ngay vào như công việc giúp đỡ, động viên những hoàn cảnh khó khăn. Những thành viên nhóm chủ yếu là giáo viên, cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn huyện vừa kêu gọi, kết nối ủng hộ thông qua mạng xã hội vừa tỏa đi các hướng động viên chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Chỉ trong thời gian ngắn, nhóm thiện nguyện đã kết nối được rất nhiều sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Những thùng mỳ tôm, sữa, khẩu trang, đệm xốp, chăn ấm, nhu yếu phẩm... đầu tiên được gửi đến Lâm Bình, nhóm tiếp nhận và phát đến các điểm cách ly, giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn... Chị Nguyễn Hoài Thương, giáo viên trường Tiểu học Lăng Can, Trưởng nhóm thiện nguyện Trái tim Lâm Bình chia sẻ, đứng trước sự khó khăn trong đợt dịch lần này, chỉ mong được đóng góp chút công sức để huyện vùng cao Lâm Bình sớm đẩy lùi dịch bệnh, mỗi em học sinh được trở lại trường bình thường.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng và
đoàn công tác trao hỗ trợ cho tỉnh Hà Giang.
Những ngày cam go do dịch Covid-19 ở Lâm Bình đang dần qua đi. Trong những ngày cam go ấy, Lâm Bình luôn nhận được sự sẻ chia, yêu thương của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp cùng các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Từ các khu phố, đến các bản làng đâu đâu cũng phát động những hoạt động chung tay hướng về Lâm Bình. Ông Ma Phúc Sơn, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lâm Bình chia sẻ: Lâm Bình đã nhận được sự ủng hộ cả về vật chất và tinh thần để phòng chống dịch. Đến nay, huyện đã nhận được hơn 1 tỷ đồng cùng rất nhiều nhu yếu phẩm trị giá hàng chục tỷ đồng. Sự sẻ chia kịp thời ấy, mọi phần quà dù lớn hay nhỏ đều là tấm lòng yêu thương của nhân dân trong tỉnh san sẻ với người dân Lâm Bình trong thời điểm khó khăn nhất và hỗ trợ lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm căng mình chống dịch.
Sẻ chia hạnh phúc
Không chỉ hướng về Lâm Bình, trong những ngày cả nước đang căng mình chống dịch Covid-19, chúng ta luôn bắt gặp những câu chuyện ấm lòng mang đầy yêu thương sẻ chia giúp đỡ nhau trong mùa dịch. Mỗi tổ chức, cá nhân làm theo cách riêng của mình nhưng đều có điểm chung là cùng hướng về những người gặp khó khăn, lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Ở thị trấn Na Hang, trong những ngày huyện có ca dương tính với Covid-19, hội viên các chi hội phụ nữ đã thay phiên nhau góp tiền, nấu các suất ăn để phục vụ cho khu cách ly. Chị Nguyễn Thị Thảo, Tổ dân phố 13 chia sẻ, khi trên địa bàn huyện có ca bệnh, ai cũng lo lắng. Chi hội phụ nữ đã đứng ra nhận nấu ăn giúp khu cách ly. Người góp công, người góp của, tất cả chung tay để san sẻ khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh.
Trong suốt thời gian diễn ra dịch bệnh, người dân đã tích cực tham gia ủng hộ tiền mặt cho Quỹ phòng chống dịch, ủng hộ nhu yếu phẩm cho các khu cách ly và gửi đến các địa phương vùng dịch. Đã có nhiều hình ảnh để lại cảm xúc sâu đậm khiến nhiều người không thể quên. Đó là các cụ bà Triệu Thị Hòa, 80 tuổi, bà Tô Thị Đẹp, 78 tuổi, bà Đặng Thị Minh, 77 tuổi, trú tại tổ dân phố An Kỳ và bà Nguyễn Thị Quế, 78 tuổi, trú tại tổ dân phố Tân An, thị trấn Sơn Dương đã trích từ lương hưu của mình mỗi người ủng hộ 1 triệu đồng để phòng chống dịch Covid-19. Hay ở các địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, những người nông dân đích thân đem những buồng chuối, củ măng, quả bí... để gửi đến các địa phương vùng dịch với mong muốn san sẻ một phần khó khăn với bà con vùng dịch.
Đồng chí Mai Đức Thông, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang, thăm và tặng quà chốt kiểm soát dịch Covid-19
tại xã Ninh Lai (Sơn Dương). Ảnh: Minh Hoa
Đồng chí Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, từ năm 2020 đến đầu tháng 11-2021, MTTQ các cấp trong tỉnh đã vận động nhân dân ủng hộ số tiền trên 33,7 tỷ đồng. MTTQ các cấp cũng phối hợp vận động, tiếp nhận gần 617,5 tấn nông sản trị giá gần 8 tỷ đồng; tiếp nhận 5 máy thở ô xy dòng cao, 5 tủ lạnh âm sâu bảo quản vắc-xin, 12 máy truyền dịch tự động, 1.500 máy Test nhanh Covid-19; 35 nghìn khẩu trang, tổng giá trị trên 3 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã vận động được 1.976 đơn vị máu chuyển vào các bệnh viện dã chiến miền Nam.
Với tinh thần Tuyên Quang vì cả nước, MTTQ tỉnh đã chuyển ủng hộ và thăm hỏi Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh miền Nam (Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang) số tiền 6,3 tỷ đồng. Trong đó, 4,5 tỷ đồng tiền mặt và 1,8 tỷ đồng giá trị vật tư y tế. Mới đây, khi tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại tỉnh Hà Giang, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 2 tỷ đồng tiền mặt và nhiều nhu yếu phẩm vật tư y tế trị giá hơn 2,6 tỷ đồng. Ngoài ra, MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên đã vận động, tiếp nhận hàng nghìn tấn nông sản để giúp nhân dân các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, với tổng trị giá trên 14,5 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Văn Trí, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Thuận chia sẻ, trong những ngày khó khăn nhất do đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Thuận được tiếp nhận những phần quà hết sức ý nghĩa từ nhân dân các dân tộc Tuyên Quang anh em. Theo đó, tỉnh tiếp nhận 1 tỷ đồng tiền mặt và các vật tư y tế trị giá 300 triệu đồng gồm: 1.000 bộ trang phục bảo hộ phòng, chống dịch, 1.750 khẩu trang 3M, 3.000 đôi găng tay. Nguồn hỗ trợ của Tuyên Quang đã giúp cho Bình Thuận có thêm nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19. Đây là sự hỗ trợ rất quan trọng góp phần để Bình Thuận sớm vượt qua khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Chặng đường chống dịch thời gian qua cho thấy càng trong khó khăn, tinh thần tương thân, tương ái càng được khơi dậy, các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng lại được tỏa sáng. Tất cả đều chung một ý chí và quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 để cuộc sống được trở lại bình thường.
Gửi phản hồi
In bài viết