Giống làng quê Tuyên Quang
Sáng trên vịnh Bái Tử Long sương mù dày đặc, gió đông bắc thổi hiu hiu, khác hẳn so với những dự cảm về mùa biển động được các đồng nghiệp đi từ những năm trước cảnh báo tôi. “Lặng sóng như hôm nay thật hiếm đấy, đầu mùa biển động nhiều, biển êm thế này là ngư dân trúng lớn" - Đại uý Vũ Tiến Kiên, Thuyền trưởng Tàu 285, Hải đội 113, Lữ đoàn 170, Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân, người có nhiều năm dọc ngang trên biển phía Bắc nói như vậy.
Ông Kiều Văn Tân, thôn Đông Lĩnh, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) thu hoạch cam bán Tết.
Tàu rẽ những dải sóng mềm và chỉ khoảng 1 giờ đã đưa chúng tôi cập bến đảo Trà Bản, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) - điểm đầu tiên của chuyến công tác. Đảo Trà Bản sừng sững những ngọn núi cao và xanh rì một dải hoàn toàn khác với những gì tôi tưởng tượng về một hòn đảo đá vôi khô cằn giống như bao hòn đảo trong vịnh. Chiếc xe 16 chỗ chở chúng tôi từ cảng đi trên con đường bê tông dẫn vào trung tâm xã, xe leo lên leo xuống vài con dốc, xã Bản Sen hiện ra trước mắt chúng tôi.
Lại là một sự bất ngờ nữa, giữa đảo là một thung lũng trù phú, mang dáng dấp vùng quê Bắc bộ, người dân nơi đây chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng lúa nước… Điều đặc biệt hơn cả là cam sành, thứ quả đặc sản mang thương hiệu OCOP 4 sao của tỉnh Tuyên Quang cũng được trồng ở nơi đây, mà không phải ít, những gần 30 ha đang cho thu hoạch. Ngoài ra người dân phát triển mạnh trồng rừng, đó là điểm tương đồng với làng quê ở Tuyên Quang. Tôi nói vui với mọi người trong đoàn rằng: “Đến đây tôi như đang được trở về quê hương Tuyên Quang của mình vậy”.
Đảo Trà Bản rộng gần 20km2 có đơn vị hành chính là xã Bản Sen gồm 3 thôn với 300 hộ, hơn 1.200 nhân khẩu. Đảo cách đất liền khoảng 20km, cách xã đảo Quan Lạn - Minh Châu khoảng 15km (theo đường biển). Đồng chí Nguyễn Quang Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Sen cho biết, người dân trên đảo chủ yếu sản xuất nông, lâm và ngư nghiệp với các chỉ tiêu về sản xuất năm 2022 đều đạt và vượt kế hoạch. Xã có 76 ha đất ruộng với sản lượng 262,8 tấn lương thực/năm, 32,6 ha cam sản lượng 40 tấn. Chăn nuôi, trồng rừng và khai thác thuỷ sản đều vượt kế hoạch năm 2022 với 348 con trâu, bò; hơn 170 ha rừng sản xuất chủ yếu trồng keo, bạch đàn, sản lượng thuỷ sản thu hoạch hàng năm ước đạt 5.350 tấn.
Người dân xã Bản Sen, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) tận dụng đất màu mỡ trên đảo trồng mía tím, phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Nhật, thôn Đông Lĩnh, xã Bản Sen chia sẻ: “Gia đình tôi có 30 ha rừng trồng keo và bạch đàn. Cuối năm 2022 gia đình bán 6 ha bạch đàn, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Hiện gia đình đang chuẩn bị giống để trồng rừng vụ tới ngay sau Tết Nguyên đán”. Còn gia đình ông Kiều Văn Tân, thôn Đông Lĩnh, xã Bản Sen đang tất bật thu hoạch cam cho kịp bán dịp Tết. Ông Tân cho biết, nhờ chăm sóc tốt, vụ này cam vừa được mùa, vừa được giá, với 3 ha cam gia đình đã bán 5 tấn hiện còn khoảng 3 tấn đang thu hoạch, ước thu lãi 400 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình trồng 2 sào mía tím và trồng hơn 10 ha rừng. Không chỉ làm giàu từ nông, lâm nghiệp, một số hộ có vốn đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, đánh bắt thuỷ, hải sản trên biển Đông.
Thắm tình quân dân
Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo được cải thiện đáng kể, hệ thống cơ sở vật chất nông thôn được đầu tư khang trang. Năm 2018, xã Bản Sen đã về đích xây dựng nông thôn mới. Ông Đinh Trung Kiên, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Bản Sen chia sẻ: “Thành quả xây dựng nông thôn mới đạt được có sự góp công của cán bộ, chiến sỹ đóng quân trên đảo, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Trạm rada 485 đóng trên đảo”.
Trường Tiểu học và THCS Bản Sen, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được xây dựng khang trang đảm bảo cho việc dạy và học của cho cô và trò trên đảo.
Đã từ lâu 2 đơn vị kết giao tình anh em nên mọi hoạt động, công việc đều được 2 đơn vị chia sẻ như việc tham gia cứu hộ, cứu nạn trong trận lụt lịch sử năm 2015 đến việc chữa cháy rừng, phòng chống dịch bệnh, chia sẻ những lúc vui, buồn…
Thượng uý Phạm Văn Định, Trạm trưởng Trạm rada 485, Tiểu đoàn 151, Bộ tư lệnh Vùng 1 Hải quân cho biết, đảo Trà Bản được xem là phên dậu của tỉnh Quảng Ninh cũng như khu vực biển miền Bắc. Trạm rada đóng trên địa bàn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương; thực hiện tốt công tác phối hợp bảo đảm nắm chắc, chính xác tình hình, làm chủ địa bàn, xử lý hiệu quả mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Người dân trên đảo Trà Bản huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) vận chuyển gỗ bằng tàu biển chở về đất liền tiêu thụ.
Tình quân dân trên đảo còn thể hiện rõ nét khi 3 cặp đôi đã lập gia đình trên đảo Trà Bản. Thượng uý Nguyễn Công Ân, Phó Trưởng Trạm rada 485, quê ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) nhận công tác tại trên đảo Trà Bản năm 2018. Với sự năng nổ, nhiệt huyết của người lính trẻ trong công tác xã hội, xây dựng nông thôn mới như giúp người dân trên đảo sửa sang nhà cửa, dọn dẹp đường làng ngõ xóm, anh được chị Phạm Thị Ngọc Hân, cán bộ Đoàn xã Bản Sen đem lòng yêu mến và họ đến với nhau xây dựng hạnh phúc gia đình năm 2019. Họ đã có 2 con và dự định sẽ ở lại đảo sinh sống và công tác.
Chúng tôi chia tay quân dân trên đảo Trà Bản khi trời đã xế chiều, những tia nắng hiếm hoi cuối đông đang dần tắt phía chân trời. Nhìn từ xa, đảo Trà Bản như một khu rừng thu nhỏ, mọc lên giữa đại dương mênh mông. Từng mái nhà khang trang đều mang dáng dấp kiêu hùng nơi đầu sóng, ngọn gió. Đảo Trà Bản được ví như một làng quê trù phú giữa biển khơi.
Gửi phản hồi
In bài viết