Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4.
Hội nghị có sự tham dự và chủ trì của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban Đảng, các Ủy ban của Quốc hội; Hội đồng dân tộc của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố.
Hội nghị còn có sự tham gia của 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước, trong đó có 30 nông dân tiêu biểu sẽ trực tiếp đặt câu hỏi và đối thoại với Thủ tướng. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 62 điểm cầu trên cả nước.
Dự hội nghị có đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân tỉnh.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia sẻ, cảm thông sâu sắc tới bà con nông dân nói riêng và đồng bào cả nước nói chung với những khó khăn, thách thức trong 2 năm gồng mình cùng cả nước phòng chống dịch vừa qua.
Trong điều kiện hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục đổi mới công nghệ; đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không phụ thuộc vào một thị trường nhất định; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa công nghiệp với nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp; kết nối các chuỗi giá trị, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metal trong nông nghiệp…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Thành Công.
Thủ tướng đề nghị tổ chức cuộc đối thoại với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, đổi mới, chân thành, tin cậy, trách nhiệm để xử lý các vấn đề, bảo đảm hiệu quả. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý, giải quyết, mỗi người trên cương vị, thẩm quyền, trách nhiệm phải làm hết mình, không phải nêu ra vấn đề rồi để đấy. Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Đại diện Ban Tổ chức cho biết, tính đến trước thời điểm diễn ra Hội nghị, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.600 câu hỏi là những đề xuất, kiến nghị, trăn trở gửi tới Thủ tướng Chính phủ, thể hiện sự quan tâm, mong chờ của nông dân đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn hiện đại vì một tầm nhìn đưa nông nghiệp Việt Nam nằm trong những nước dẫn đầu của thế giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Thành Công.
Tại hội nghị các đại biểu đã có 14 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tập trung vào các nhóm vấn đề chủ yếu: giải pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch Covid-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân nông dân, mong muốn Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo nhằm bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp, giúp nông dân yên tâm sản xuất; vấn đề đất đai và cơ chế để những người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất; về thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp, đặc biệt phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp; vốn, tín dụng cho người nông dân; phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn ngày càng nhức nhối, mong muốn Thủ tướng có giải pháp chỉ đạo để đảm bảo bảo vệ môi trường nông thôn được xanh, sạch; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh; thúc đẩy du lịch nông thôn, đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; di cư lao động từ nông thôn lên thành phố thành công nhân và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương; tình trạng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng vùng Tây Bắc, phát triển và giữ rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành đã trao đổi, chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu tỉnh Tuyên Quang dự Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4 tại Sơn La.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trên cơ sở các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các nông dân tại hội nghị lần này, nhiều vấn đề lớn đang đặt ra trong phát triển nông nghiệp và nông thôn đã được đề cập, trao đổi để Chính phủ, các bộ, ngành có chính sách phù hợp, thỏa đáng. Hiện nay vấn đề lớn đối với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là cần thúc đẩy kinh tế hợp tác xã. Nhà nước cần tiếp tục thể chế hóa, chính sách thực hiện, điều chỉnh, có đánh giá sát tình hình thực tế kịp thời. Bên cạnh đó cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ tri thức hóa nông dân, tăng cường chuyển đổi số. Người nông dân phải nhanh chóng tiếp cận vấn đề này... Qua việc tổ chức hội nghị đối thoại lần này, đồng chí đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cũng tham gia đối thoại với nông dân triển khai vào thời điểm tháng 10-11 hàng năm. Trên cơ sở đó có thể phân cấp đánh giá tổng kết những gì đã làm được, chưa làm được, rút ra những giải pháp thực hiện hiệu quả ở từng địa phương.
Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn phải theo hướng nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, sản phẩm có chứng chỉ, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm nông nghiệp, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm an ninh nông thôn.
Thủ tướng giao nhiệm vụ một số bộ, ngành Trung ương nghiên cứu tìm cơ chế thuận lợi và hỗ trợ vốn, các tỉnh tạo điều kiện về đất cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; các địa phương cần phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; tạo môi trường tốt gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp cùng phát triển. Bên cạnh đó, tăng cường dân chủ, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương, nhất là vai trò của Hội Nông dân để động viên, hỗ trợ nông dân tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất.
Gửi phản hồi
In bài viết