Trên 5.000 ha lúa mùa giảm sản lượng, chất lượng
Vụ mùa năm 2024, toàn tỉnh gieo cấy trên 22,6 nghìn ha, trong đó lúa trà sớm, trà chính vụ trên 10 nghìn ha. Hiện tại nhiều diện tích đã cho thu hoạch. Tuy nhiên theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơn bão số 3 và mưa lũ kéo dài đã khiến trên 5.000 nghìn ha lúa mùa của các địa phương bị ảnh hưởng. Nặng nề nhất là huyện Chiêm Hóa với diện tích lúa bị thiệt hại, mất trắng xấp xỉ 1.000 ha.
Chưa vụ mùa nào gia đình ông Lý Văn Hợp, thôn Cầu Mạ, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) lại thất thu như vụ này. Thu hoạch cả 3 sào lúa không nổi 3 tạ thóc. Điều buồn hơn nữa là thóc bị lấm đầy bùn đất và gần như đã bị ải do ngâm trong bùn nước nhiều ngày.
Người dân thôn Từ Lưu 2, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) trồng dưa lê vụ đông.
Ông Hợp buồn rầu, thời điểm lúa trỗ đòng, dông lốc ập đến đã làm đổ hết, cả gia đình đã phải lặn lội buộc dựng cây lên mong vớt vát. Vậy mà trận lũ vừa qua tiếp tục quật đổ, lúa bị ngâm trong bùn nước nhiều ngày thân lúa đã thối nhũn. Theo lời ông Hợp, tiếc của thu hoạch về nhưng chắc cũng không được hạt gạo ăn mà chỉ để nghiền làm thức ăn cho con lợn, con gà.
Cùng trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, cánh đồng lúa vàng óng hàng chục ha của xã Vinh Quang tưởng như đã ăn chắc vậy mà trận lũ quét lịch sử cũng đã vùi lấp tất cả. Bà Trần Thị Ích, thôn Vĩnh Bảo xót xa: 3 sào lúa của gia đình đã không còn vết tích, cả cánh đồng chỉ còn là bùn, cát và đất đỏ. Một nắng, hai sương 4 tháng trời đến ngày thu hoạch thiên tai đã lấy đi hết.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa, 4 xã Vinh Quang, Kim Bình, Tri Phú, Linh Phú nhiều diện tích lúa mùa đến kỳ thu hoạch nhưng cũng đã xóa sổ, ảnh hưởng rất lớn đến giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện.
Không mất trắng như nhiều nông dân trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, nhưng những người nông dân Thái Hòa, Thái Sơn, Bình Xa (Hàm Yên); Hoàng Khai, Nhữ Hán, Nhữ Khê, Tân Long, Tân Tiến (Yên Sơn) cũng không có được niềm vui trong ngày mùa. Theo phản ánh của nhiều bà con nông dân tại các địa phương, thời tiết năm nay quá khắc nghiệt, mưa lớn, lũ ống, lũ quét liên tiếp xảy ra. Chỉ riêng trong tháng 8 - 9, 2 đợt mưa lớn gây ngập úng diện rộng, hàng nghìn ha lúa đang trong giai đoạn trỗ, phơi màu bị đổ rạp, nhấn chìm trong nước.
Bà Nguyễn Thị Liên, thôn Từ Lưu 2, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) chia sẻ, đúng thời điểm lúa trỗ, phơi màu trời liên tục có mưa lớn trong nhiều ngày kèm dông lốc lúa đã rạp hết. Mặc dù gia đình bà đã buộc dựng 3 - 4 khóm vào làm 1 để tránh thiệt hại nhưng cũng chỉ vớt vát được phần nào. Theo bà Liên, bông lúa chỉ được 2/3 hạt chắc còn lại là lửng, lép.
Đồng chí Bùi Quốc Trung, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Qua kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, do tác động xấu từ thiên tai nên năng suất, sản lượng lúa vụ mùa năm nay của tỉnh giảm đáng kể. Chỉ tính riêng với hơn 5.000 ha lúa bị ảnh hưởng, mất trắng đồng nghĩa với sản lượng lúa mùa năm nay sẽ giảm khoảng 25.000 tấn. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực của các hộ nông dân mà sẽ tác động xấu đến giá trị sản xuất chung của cả ngành nông nghiệp.
Tập trung gieo trồng hết diện tích cây vụ đông
Khẩn trương khôi phục sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các huyện, thành phố thành lập các tổ công tác kiểm tra, chỉ đạo các địa phương đôn đốc bà con thu hoạch hết diện tích lúa bị ảnh hưởng tận dụng làm thức ăn chăn nuôi gia cầm, gia súc đồng thời khẩn trương vệ sinh, san gạt, cải tạo, khôi phục hệ thống tưới tiêu... sớm đưa vào sản xuất, trước mắt là kịp thời sản xuất vụ đông. Mục tiêu lớn nhất là sản xuất vụ đông để bù lại thiệt hại vụ mùa.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo, các địa phương tận dụng tối đa điều kiện đất đai, thực tiễn và nhu cầu tiêu thụ nông sản của thị trường để bố trí kế hoạch sản xuất, mở rộng diện tích trồng vụ đông, trong đó ưu tiên các loại cây trồng có giá trị kinh tế, thị trường tiêu thụ ổn định như: cây ngô, cây rau, quả vụ đông...
Xã Chi Thiết (Sơn Dương) ngay sau khi thu hoạch lúa mùa bà con đã làm đất, xuống giống ngô đông. Anh Nguyễn Đăng Khoa, cán bộ khuyến nông xã cho biết, trận lũ vừa qua đã giảm đáng kể năng suất, sản lượng lúa mùa của xã, bù đắp thiệt hại bà con đã nhanh chóng bắt tay vào sản xuất. Nhiều năm thực hiện liên kết với các trang trại bò sữa, trồng, cung ứng ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc nên năm nay người dân xã Chi Thiết tiếp tục duy trì và có xu hướng mở rộng hơn. Hiện tại đã có trên 35 ha ngô đông đã được bà con gieo trồng, tăng khoảng 5 ha so với năm ngoái, dự kiến diện tích này sẽ còn tiếp tục tăng do nhu cầu của cả đôi bên. Anh Khoa tính toán, ngô sinh khối thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 70 - 80 ngày, năng suất đạt trên 70 tấn/ha, với giá 850 - 900 nghìn đồng/tấn ngô sinh khối cũng đem lại một nguồn thu đáng kể để bù đậy một phần giá trị kinh tế cho người nông dân sau những thiệt hại do thiên tai.
Trên địa bàn các xã Yên Lập, Vinh Quang, Bình Nhân (Chiêm Hóa) bà con nông dân bám đồng, bám ruộng thu dọn bờ bãi, rắc vôi khử khuẩn, làm đất đến đâu tập trung gieo trồng hết diện tích đến đó. Ông Ma Văn Khoan, thôn Tin Kéo, xã Yên Lập chia sẻ: Gia đình đã thuê máy làm hết 5 sào đất, lên luống, rắc vôi khử khuẩn, Hợp tác xã nông nghiệp cung ứng giống dưa, ớt là tiến hành trồng. Ông Khoan hy vọng việc liên kết sẽ giảm gánh nặng chi phí đầu vào, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm giúp người nông dân như ông gỡ gạc lại thiệt hại từ vụ mùa.
Đồng chí Đỗ Văn Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết: Huyện đã làm việc với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tiếp tục duy trì bền vững các chuỗi sản xuất dưa, ớt, ngô sinh khối đảm bảo đầu ra ổn định cho người nông dân.
Tính đến đầu tháng 10, đã có 3.000 ha, dự kiến khoảng 8.000 - 9.000 ha diện tích lúa đã được thu hoạch sẽ được bà con đưa vào trồng cây vụ 3. Với cây ngô có thời gian sinh trưởng từ 110 ngày trở lên, ngành nông nghiệp đề nghị người dân trồng xong trước ngày 5-10; nhóm giống ngô có thời gian sinh trưởng 75 - 85 ngày, thời vụ kết thúc trồng trước ngày 15-10. Các cây họ đậu, rau, bí sử dụng các giống có chất lượng, lựa chọn giống sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, thời vụ trồng từ ngày 25-10 đến 25-11. Trồng trong khung thời vụ, duy trì chuỗi sản xuất vụ đông năm nay chắc chắn đem lại hiệu quả kinh tế cao, bù đắp được phần nào giá trị, sản lượng cho mùa do thiên tai gây ra.
Gửi phản hồi
In bài viết