Thiếu nhân viên thú y
Xã Thành Long là xã thuần nông của Hàm Yên, sinh kế của người dân chủ yếu từ chăn nuôi. Tổng đàn vật nuôi của xã gần 60.000 con, trong đó đàn gia súc (bao gồm trâu, bò, lợn) gần 5.000 con và 55.000 con gia cầm. Dù đàn vật nuôi tương đối lớn nhưng nhiều năm liền xã không thể tuyển dụng được nhân viên Thú y.
Đồng chí Nguyễn Công Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Long chia sẻ: Năm 2019 trở về trước, xã có nhân viên thú y, tuy nhiên do thay đổi công việc nên cán bộ này đã xin dừng nhiệm vụ. Và cũng từ đó đến nay, xã không tìm được người thay thế. Thiếu nhân viên thú y xã, mạng lưới thú y thôn bản của xã Thành Long cũng không còn.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Hàm Yên (người bên trái) được phân về hỗ trợ xã Thành Long quản lý đàn vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh.
Ông Hà Văn Hưng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hàm Yên cho biết: Cũng vì thiếu nhân lực, nên công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi của xã Thành Long luôn đạt tỷ lệ thấp, thời gian tiêm phòng kéo dài làm ảnh hưởng tới tình hình dịch tễ, lịch tiêm phòng vụ sau. Rõ nhất tại thời điểm này dù các địa phương đã cơ bản thực hiện tiêm vắc - xin phòng các bệnh nguy hiểm cho đàn gia súc vụ Thu - Đông, nhưng tại xã Thành Long vẫn chưa thể triển khai.
Cũng trên địa bàn huyện Hàm Yên, tại 2 xã Minh Khương, Yên Lâm cũng không thể tuyển dụng được nhân viên thú y. Để bổ sung vị trí này chủ tịch Hội Nông dân, Hội Phụ nữ của các xã phải “gánh” thêm trách nhiệm. Chính vì kiêm nhiệm nên một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước về Thú y tại 2 xã trên không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Điều này ảnh hưởng tới công tác chỉ đạo phòng chống, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại địa phương.
Không chỉ trên địa bàn huyện Hàm Yên, các huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Sơn Dương mạng lưới thú y cơ sở đang trong tình trạng thiếu ở cấp xã, vắng bóng ở thôn bản. Thiếu nhân viên thú y xã, không còn lực lượng thú y thôn bản đồng nghĩa với việc không có người nắm bắt, cập nhật tình hình sản xuất, điều tra, phát hiện dịch hại, dẫn đến công tác tham mưu phòng, chống dịch tại cơ sở không kịp thời, không sát thực tế, thiếu đồng bộ, hiệu quả không cao. Dịch bệnh chậm được phát hiện, không được bao vây, kiểm soát kịp thời nên luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan bùng phát trên diện rộng.
Lấp lỗ hổng lực lượng thú y cơ sở
Từ năm 2019, tỉnh đã hợp nhất các Trạm chăn nuôi và Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến nông thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND huyện theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên sự hợp nhất này có cái lợi là tinh giản được nhân sự, nhưng lại nảy sinh cái hại là sau khi hợp nhất, chuyện dịch bệnh trên đàn vật nuôi không còn là trách nhiệm riêng của ngành thú y, mà là trách nhiệm chung của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, nên cán bộ phụ trách thú y không toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ.
Nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý, mạng lưới thú y, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22-3-2021 về Đề án nâng cao năng lực hệ thống cơ sở quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030. Ngày 15-9-2021, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 152/KH-UBND Đề án. Theo đó, các địa phương thực hiện rà soát, kiện toàn, củng cố mạng lưới chăn nuôi, thú y, thủy sản cấp xã đảm bảo có trình độ trung cấp trở lên.
Với những xã chưa có nhân viên thú y, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố đang triển khai mô hình đưa cán bộ thú y của trung tâm về cơ sở. Ông Nguyễn Ngọc Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Sơn khẳng định: Tại 2 xã Tiến Bộ và Mỹ Bằng chưa có nhân viên Thú y, Trung tâm đã cắt cử cán bộ chuyên ngành để hỗ trợ chính quyền, người chăn nuôi quản lý, giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Với giải pháp này, việc theo dõi, quản lý, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện được đảm bảo; các ổ dịch được phát hiện, khoanh vùng, khống chế, không để lây lan diện rộng.
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cũng đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản hướng dẫn trong công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm khi thiếu vắng thú y thôn. Theo đó, các địa phương gắn kết trách nhiệm phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm với hoạt động của thú y tư nhân. Bởi, theo Luật Thú y, người hành nghề thú y tư nhân phải cung cấp thông tin và thực hiện theo sự điều động của cơ quan có thẩm quyền.
Hy vọng rằng những giải pháp của tỉnh, ngành chuyên môn sẽ từng bước thu hút, giữ chân được nhân viên thú y, đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết