Các đại biểu dâng hương tại tại Chùa Bà, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Vào khoảng thế kỷ 16, 17, nhiều người Hoa di cư đến Nước Mặn thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Họ không những lập nên phố xá buôn bán sầm uất mà còn mang theo tín ngưỡng của mình, điển hình là thờ Quan Thánh và Thiên Hậu. Chùa Bà được dựng lên vào giai đoạn này. Từ giữa thế kỷ 18 trở về sau, biển lùi ra xa, tàu thuyền lớn không vào cảng thị Nước Mặn, cảng thị này suy tàn… Cư dân vùng đô thị Nước Mặn trước đây thường đến chùa Bà để đi lễ để tỏ lòng cảm ơn Thiên Hậu Thánh Mẫu đã phù hộ cho họ di cư an toàn đến vùng đất mới, đồng thời cầu mong một cuộc sống sung túc, đủ đầy.
Dần dần, khi đã an cư, lạc nghiệp, làm ăn phát đạt, phố cảng Nước Mặn cũng trở nên sầm uất, một số thương nhân đã đóng góp tiền của, tu bổ cho miếu thêm khang trang và to đẹp hơn.
Chùa Bà đã trở thành tín ngưỡng chung cho cả người Việt lẫn các sắc tộc đã định cư nơi này lúc bấy giờ. Chánh điện chùa Bà có ngai thờ thần Thành Hoàng đặt cạnh ngai thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Du khách thập phương lui tới chùa Bà ngày càng đông, hình thức tín ngưỡng cũng dần lớn lên, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn dần hình thành và được duy trì, lưu truyền cho đến ngày nay.
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ tư của tỉnh Bình Định.
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào 4/8/2022. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ tư của tỉnh Bình Định được ghi danh, tiếp sau Võ cổ truyền Bình Định, Hát bội Bình Định và Nghệ thuật Bài chòi Bình Định.
Từ ngày 19/2 đến ngày 21/2/2023, Ban Quản lý Chùa Bà phối hợp UBND huyện Tuy Phước tổ chức Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ, tín ngưỡng mang tính đặc trưng của vùng cảng thị xưa như: lễ tế các vị thần linh đã phù hộ cho người đi biển, buôn bán, che chở cho đời sống tinh thần, vật chất của người dân, bảo hộ cho việc sinh sản mẹ tròn con vuông; lễ rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục với những hình tượng như: người đốn cây, khai phá rừng ngập mặn.
Ngoài phần lễ, còn có phần hội với nhiều trò chơi dân gian, nghệ thuật hát bội, hội bài chòi cổ, biểu diễn võ cổ truyền thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Gửi phản hồi
In bài viết