Toàn cảnh Lễ hội chùa Keo mùa Thu ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình chụp từ trên cao. (Ảnh: Nguyễn Thuyên)
Theo Ban tổ chức Lễ hội chùa Keo mùa Thu, ước tính trong các ngày diễn ra lễ hội (từ 12-19/10/2024), địa phương đã đón tiếp từ 160 nghìn đến 170 nghìn lượt người đến tham quan, chiêm bái, vãn cảnh và hòa mình vào các hoạt động phong phú, đa dạng trong lễ hội.
Cũng qua thống kê, có 5/8 ngày tổ chức lễ hội có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, Hội chợ OCOP diễn ra vào buổi tối. Đây là thời điểm thích hợp và rất lý tưởng để thu hút du khách về với lễ hội chính trong năm.
Trao đổi với Báo Nhân Dân, bà Phạm Thị Bình, Phó trưởng Ban quản lý di tích chùa Keo cho biết, ngoài việc thực hành các tín ngưỡng truyền thống như tế lễ, rước kiệu Thánh, hầu đồng hay như tổ chức trò chơi dân gian vào ban ngày, trong các lễ hội gần đây Ban tổ chức rất chú ý khai thác thêm thời gian và không gian để trải nghiệm các hoạt động lễ hội vào buổi tối.
Vẫn theo bà Bình, thời điểm này lễ hội thường có sắc màu riêng, lung linh hơn và huyền ảo hơn, giúp cho người đến tham quan, vãn cảnh chùa Keo có cảm nhận khác biệt hẳn so với ban ngày, như lạc vào miền cổ tích, miền di sản đậm đặc nét riêng có.
Đó là các buổi múa rối nước truyền thống của phường rối Nguyên Xá; giao lưu các Câu lạc bộ Chèo đến từ làng Khuốc (huyện Đông Hưng), làng Ô Mễ 2 xã Tân Phong, làng La Uyên xã Minh Quang và thôn Sáo Dền xã Song An (đều thuộc huyện Vũ Thư).
Đó còn là đêm hội hoa đăng huyền diệu mang màu sắc tâm linh, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, mọi người và mọi nhà bình an, sung túc. Và bên cạnh đó, không thể không nhắc đến Hội chợ OCOP với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, quy tụ 130 gian hàng của các chủ thể trong và ngoài tỉnh.
Cô Trần Thị Minh Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Vũ Thư cho hay, khoảng 2 năm gần đây Lễ hội chùa Keo mùa Thu sâu sắc, sôi động hơn bởi diễn ra rất nhiều hoạt động trải nghiệm phong phú, hấp dẫn nhưng không làm mất đi hồn cốt lễ hội truyền thống của cư dân vùng trồng lúa nước sông Hồng.
Vẫn theo cô Yến, trong thời điểm hiện nay, việc dung hòa giữa bảo tồn nét cổ truyền, tập tục cũ nhưng vẫn tiếp thu, dung nạp những cái mới, phù hợp với xu thế là điều cần làm. Lễ hội chùa Keo đang có bước đi theo hướng này đã tạo sức hút lớn với người dân và du khách thập phương.
Còn theo Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, người đã có 2 năm liền được mời tham gia cố vấn cho chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội chùa Keo nhận xét: Ban tổ chức đã rất thành công khi khéo léo phân bổ, dàn trải các hoạt động của lễ hội vào các thời điểm khác nhau (ban ngày, buổi tối); không gian lễ hội cũng được tổ chức rộng khắp tại các nơi trong Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo tạo sự cân bằng, hài hòa và đem đến không khí lễ hội đầy ắp trong cảm nhận của mỗi người đến ghé thăm.
Cảm nhận chung của người dân khi tham dự Lễ hội chùa Keo mùa thu năm nay là công tác tổ chức được làm bài bản, quy củ; môi trường, cảnh quan sạch sẽ, thoáng đãng. Các ki-ốt bán hàng nằm ven hồ thủy đình được chính quyền địa phương xóa bỏ, tạo thêm không gian cho di tích chùa Keo.
Gửi phản hồi
In bài viết