Các tay súng Taliban tại thành phố Ghazni, Afghanistan, ngày 12-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu với các phóng viên tại New York, ông Guterres nhấn mạnh "đây là thời điểm phải tạm dừng các cuộc tấn công", “thời điểm để bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc” và “thời điểm tránh một cuộc nội chiến kéo dài, tránh sự cô lập cho Afghanistan".
Ông Guterres vô cùng lo lắng trước những dấu hiệu ban đầu cho thấy Taliban đang áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt trong các khu vực do lực lượng này kiểm soát, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em. Vì thế, người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới kêu gọi các bên cần có nhiều biện pháp hơn nữa để bảo vệ dân thường ở quốc gia Tây Nam Á này.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Liên hợp quốc cho biết tổ chức này đang cập nhật từng giờ tình hình an ninh ở Afghanistan và điều động một số nhân viên đến thủ đô Kabul để hỗ trợ những công việc cần thiết.
Hiện có khoảng 300 nhân viên quốc tế và 3.000 nhân viên bản địa đang làm việc cho cơ quan của Liên hợp quốc tại Afghanistan.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khẳng định khối này sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ngoại giao và dân sự tại Afghanistan. NATO cũng cam kết sẽ hỗ trợ chính phủ và lực lượng an ninh Afghanistan trước các đợt tấn công của lực lượng Taliban.
Trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp khẩn của NATO về tình hình Afghanistan, ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là duy trì hỗ trợ chính phủ và lực lượng an ninh Afghanistan nhiều nhất có thể. Ưu tiên hàng đầu vẫn là sự an toàn của các nhân viên của chúng tôi. NATO sẽ duy trì hiện diện ngoại giao tại Kabul và tiếp tục điều chỉnh khi cần thiết".
Trong khi đó, nhiều nước tiếp tục cắt giảm nhân viên ngoại giao của mình ở Afghanistan và lên kế hoạch sơ tán về nước.
Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde ngày 13-8 thông báo nước này đã quyết định cắt giảm nhân viên Đại sứ quán ở thủ đô Kabul và chuẩn bị chu đáo cho việc có thể sơ tán những người này trong thời gian ngắn sắp tới.
Ngoại trưởng Đức cũng cho biết Berlin sẽ giảm số lượng nhân viên Đại sứ quán ở thủ đô Kabul xuống mức tối thiểu, kết hợp với tăng cường các biện pháp an ninh.
Hiện Chính phủ Đức cũng đang điều gấp các chuyến bay tới Afghanistan để đưa gia đình các nhân viên Đại sứ quán và nhân viên người Afghanistan về Đức.
Đan Mạch và Na Uy cũng đang đóng cửa tạm thời Đại sứ quán ở thủ đô Kabul và cho sơ tán gia đình các nhân viên Đại sứ quán về nước. Hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau trong chiến dịch sơ tán này.
Pháp, Bỉ và Phần Lan cũng hối thúc công dân của mình về nước và cam kết sẽ tiếp nhận hàng trăm lao động Afghanistan từng làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao của mình tại quốc gia Tây Nam Á này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nhập cư Canada Marco Mendicino ngày 13-8 cho biết Ottawa có kế hoạch tái định cư cho hơn 20.000 người Afghanistan thuộc diện “có nguy cơ bị tổn thương” để bảo vệ họ khỏi sự trả đũa của Taliban. Trước đó, Chính phủ Canada cũng đã công bố sáng kiến tiếp nhận hàng nghìn người Afghanistan từng làm việc cho Ottawa.
Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh Taliban liên tiếp chiếm được nhiều thành phố quan trọng ở Afghanistan và đang áp sát thủ đô Kabul. Hiện lực lượng này đã kiểm soát gần 2/3 diện tích Afghanistan.
Gửi phản hồi
In bài viết