Những ngày này, gia đình ông Nông Văn Thường, thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) đang tập trung chăm sóc để thu hoạch ớt lứa thứ 2. Ông Thường cho biết, những năm trước ông trồng 1.000 m2 ngô nhưng kém hiệu quả. Đầu tháng 9-2022, ông liên kết với Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa (TP Hải Dương) trồng gần 2.000 m2 ớt chỉ thiên Hàn Quốc theo quy trình hữu cơ để xuất khẩu. Phía công ty hỗ trợ trả sau 100% giống, phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để phòng ngừa sâu bệnh, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá theo thị trường.
Ớt là loại cây dễ trồng, không kén đất, từ lúc xuống giống đến khi cho quả chín là 3 tháng và thu hoạch đều trong thời gian khoảng 6 tháng tiếp theo. Năng suất ớt hữu cơ so với việc trồng truyền thống là ngang nhau, thậm chí, ớt hữu cơ còn cho quả to đều, cay và mẫu mã đẹp hơn cách trồng truyền thống.
Cán bộ khuyến nông xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) hướng dẫn người dân cách nhận biết sâu bệnh trên cây ớt để có cách phòng trừ.
Anh Hoàng Văn Quý, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp và Dịch vụ xã Yên Nguyên cho biết, hiện nay trên địa bàn xã đang liên kết trồng ớt xuất khẩu với Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa (Hải Dương) với diện tích gần 15 ha tập trung ở các thôn Khuôn Khoai, Bảo Ninh. Ớt sau khi thu hoạch sẽ được đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm với giá bán tương đương với giá thị trường và thấp nhất 10 nghìn đồng/kg. Vụ thu hoạch vừa qua, năng suất ban đầu mang lại đạt 25 tấn/1 ha, doanh thu là 300 triệu đồng/1 ha, sau khi trừ chi phí cho thu lãi 120 triệu đồng/1 ha. Thị trường đầu ra của sản lượng ớt khi thu hoạch đã được công ty xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.
Xã Hòa An có diện tích trồng ớt xuất khẩu lớn của huyện Chiêm Hóa, hiện nay toàn xã hiện có gần 30 ha trồng ớt liên kết với Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa và Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Kim Bôi (Hòa Bình) nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm ớt cho người nông dân.
Gia đình anh Hà Văn Kiên, thôn Liên Kết, xã Hòa An (Chiêm Hóa) đi đầu trồng ớt với hơn hơn 2.000 m2. Anh Kiên cho biết, do là vụ đầu tiên nên khi quyết định tham gia còn rất e ngại từ việc trồng ra sao, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh thế nào và liệu có thích nghi với đồng đất địa phương hay không… Tuy nhiên, sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và được sự hướng dẫn của đơn vị bao tiêu sản phẩm, gia đình nhận thấy đây là giống cây mới, phù hợp với chất đất ở địa phương, đầu ra của sản phẩm ổn định nên quyết định chuyển đổi diện tích trồng rau trước đây sang trồng ớt.
Một trong những lý do khiến anh Kiên và nhiều hộ gia đình trồng ớt ở Hòa An yên tâm sản xuất chính là được sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa, các sản phẩm ớt của người trồng sẽ được mua với giá thị trường và không thấp hơn 10 nghìn đồng, giúp người nông dân sản xuất ổn định, tránh trường hợp được mùa mất giá.
Đồng chí Đỗ Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết, để đáp ứng yêu cầu của các đơn vị nhận bao tiêu sản phẩm, hiện nay, huyện đang tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan cấp giấy chứng nhận mã vùng, mã vạch cho sản phẩm ớt của huyện Chiêm Hóa. Đồng thời tuyên truyền cho các địa phương trong huyện chuyển đổi cây trồng trên những diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng ớt.
Có thể thấy, việc trồng ớt hữu cơ theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đã và đang mở ra hướng đi mới đầy hứa hẹn, không chỉ giúp giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết