Người dân xã Cấp Tiến (Sơn Dương) tiêm vắc- xin lở mồm long móng và tụ huyết cho đàn vật nuôi.
Nhiều năm nay gắn bó với nghề chăn nuôi trâu, bò, ông Ma Đình Hiển ở thôn Bản Pài, xã Minh Quang (TP Tuyên Quang) luôn thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi đúng định kỳ, nhằm tăng sức đề kháng. Nhờ có sự chủ động đó, đến nay đàn vật nuôi của gia đình ông đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin theo chỉ dẫn của cán bộ thú y. Được tiêm phòng đầy đủ và được chăm sóc tốt nên đàn trâu của gia đình ông khoẻ mạnh, sinh sản tốt.
Xã Minh Quang hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm trên 47.000 con, trong đó đàn gia súc 5.129 con, gia cầm là hơn 42.000 con. Với mục tiêu phấn đấu tiêm phòng cho trên 80% tổng đàn gia súc, gia cầm, sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND huyện Lâm Bình, xã Minh Quang đã xây dựng lịch tiêm phòng cụ thể và triển khai đến từng thôn bản. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi về tầm quan trọng của công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, khi xã, thôn ra quân thực hiện tiêm phòng, các hộ đều đã chủ động nuôi nhốt gia súc và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để nhân viên thú y đến tiêm phòng thuận lợi. Xã Minh Quang phấn đấu đến hết ngày 25-4 sẽ kết thúc công tác tiêm phòng các loại vắc- xin cho đàn vật nuôi.
Ông Vũ Văn Đông, thôn Đồng Lợi, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) luôn chú trọng sức khoẻ cho đàn vật nuôi. Hiện ông nuôi 7 con bò 100 con gà, ông Đông thường xuyên theo dõi thời tiết, nắm bắt thông tin để kịp thời có biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa. Theo ông Đông, thời tiết giao mùa, nồm ẩm dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh đối với đàn vật nuôi như bệnh tụ huyết trùng ở gia cầm và gia súc, bệnh lở mồm long móng ở gia súc. Theo kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm, ông luôn giữ cho nền chuồng nuôi sạch sẽ, rắc vôi và phun thuốc khử trùng quanh khu vực chuồng nuôi; bảo đảm thức ăn và dinh dưỡng phù hợp là yếu tố quan trọng để nâng sức đề kháng và quan trọng là tiêm vắc- xin đầy đủ cho vật nuôi.
Người dân thôn Tứ Thông, xã Hợp Thành (Sơn Dương) phun khử trùng khu vực chuồng chăn nuôi gia cầm.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 90.100 con trâu, trên 39.600 con bò, hơn 557.400 con lợn và hơn 7,2 triệu con gia cầm, trong 4 tháng đầu năm, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, để đảm bảo cho đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, cơ quan chuyên môn đã tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, những năm gần đây, dịch bệnh trên địa bàn vẫn rải rác xuất hiện. Một số dịch bệnh nguy hiểm bùng phát trên địa bàn tỉnh vào thời điểm giao mùa những năm trước đây như viêm da nổi cục; lở mồm long móng, tả lợn, bệnh dại... cũng gây thiệt hại không nhỏ cho nhiều hộ chăn nuôi. Nguyên nhân là do nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thật sự quan tâm đến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Để khắc phục thực trạng này, việc tiêm phòng vắc-xin trên gia súc, gia cầm được thực hiện quyết liệt, từ nguồn ngân sách tỉnh đã hỗ trợ hơn 200.000 liều vắc-xin cúm gia cầm cho các huyện, thành phố. Cùng với nguồn hỗ trợ từ tỉnh, địa phương vận động hầu hết các hộ chăn nuôi tự mua vắc-xin, dung dịch khử trùng để bảo vệ đàn vật nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi thú y và thuỷ sản tỉnh, thời gian gần đây, dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản không bùng phát, nhiều hộ chăn nuôi đang tích cực tái đàn, mở rộng quy mô. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi càng lớn, càng có nhiều rủi ro hơn nếu công tác phòng, chống dịch bệnh không đảm bảo. Do vậy, ngành chức năng khuyến cáo các hộ chăn nuôi không được giấu dịch; không vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường; kịp thời thông tin đến ngành chức năng để có hướng xử lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan...
Gửi phản hồi
In bài viết