Nhân rộng những mô hình khuyến nông hiệu quả

- Bằng cách hỗ trợ con giống, vốn vay, kỹ thuật sản xuất, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (TTKN) đã xây dựng nhiều mô hình khuyến nông bước đầu mang lại hiệu quả, giúp nông dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

 Người dân xã Trung Yên (Sơn Dương) thực hiện mô hình trồng cây gai xanh lấy sợi gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Xã Bình An (Lâm Bình) có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi dê núi. Đặc biệt, người dân nơi đây có kinh nghiệm chăn nuôi dê núi từ lâu đời với các giống dê cỏ được chăn thả tự nhiên. Tuy nhiên, mô hình mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế chưa cao. Với mong muốn hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương dựa vào các thế mạnh tự nhiên và tập quán sản xuất, TTKN tỉnh đã triển khai Dự án Xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại xã Bình An.

Dự án được thực hiện tại 5 hộ gia đình ở thôn Chấu Quân và thôn Tân Hoa, xã Bình An, với quy mô 50 con dê lai (5 dê đực và 45 dê cái). Tham gia vào mô hình các hộ được hỗ trợ 100% giống, vật tư (dê giống, thức ăn hỗn hợp cho dê, vắc xin phòng bệnh, tảng đá liếm để bổ sung khoáng cho đàn dê); được tập huấn, hướng dẫn khoa học, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trừ dịch bệnh cho đàn dê trong suốt quá trình nuôi. Hiện tại, đàn dê của các hộ dân đều thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương và đã sinh thêm lứa dê mới.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra mô hình nuôi dê tại xã Bình An (Lâm Bình).

Gia đình anh Triệu Minh Tiến, thôn Tân Hoa là 1 trong 5 hộ gia đình được TTKN tỉnh hỗ trợ mô hình nuôi dê sinh sản. Anh Tiến chia sẻ: Từ sự hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp, cán bộ khuyến nông, anh đã có thêm kiến thức, kỹ thuật trong chăn nuôi dê. Quá trình chăn nuôi, đàn dê của gia đình sinh trưởng phát triển tốt, dê con đẻ ra khỏe mạnh, lớn nhanh hơn dê bản địa. Hiệu quả kinh tế tăng 15% so với trước khi xây dựng mô hình. Từ 10 con dê giống ban đầu, hiện đàn dê của anh đã tăng lên hơn 20 con. Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục nhân giống để phát triển mô hình, xem đây là hướng phát triển kinh tế bền vững của gia đình.

Ông Chẩu Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình, “cầm tay chỉ việc” của cán bộ TTKN, bà con xã Bình An đã biết nuôi dê sinh sản theo hướng an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế… Mô hình không chỉ tạo việc làm cho người dân mà còn khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Tại huyện Na Hang, TTKN tỉnh đã triển khai mô hình chăn thả lợn rừng sinh sản theo hướng an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại 4 xã Thanh Tương, Năng Khả, Đà Vị, Hồng Thái. Mô hình với quy mô 40 con lợn rừng/4 hộ tham gia.  Tháng 6-2022, gia đình ông Ma Văn Đạo, thôn Bản Bung, xã Thanh Tương được TTKN tỉnh hỗ trợ 10 con lợn rừng để làm giống. Sau gần 1 năm chăm sóc, đàn lợn phát triển khỏe mạnh, lứa lợn đầu tiên của gia đình ông Đạo đã được xuất bán có trọng lượng trung bình 20kg/con. Với giá bán 150.000 đồng/kg, ông thu về 15 triệu đồng cho lứa lợn đầu tiên. Có được nguồn vốn này, ông Đạo tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Mô hình nuôi lợn rừng sinh sản ở huyện Na Hang là hướng đi mới rất triển vọng.

Năm 2022, TTKN tỉnh đã thực hiện trên 10 mô hình sinh kế thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi như mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại huyện Lâm Bình; chăn thả lợn rừng sinh sản theo hướng an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại huyện Na Hang; nuôi ong mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại huyện Yên Sơn; sản xuất cây gai xanh lấy sợi gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại huyện Sơn Dương; trồng tre lục trúc lấy măng gắn với phát triển du lịch sinh thái tại xã Hồng Thái (Na Hang)… Qua đánh giá các mô hình, có thể thấy, việc nhân rộng và áp dụng những mô hình khuyến nông hiệu quả đã thu về nhiều thành quả đáng khích lệ. Những mô hình này không chỉ giúp người dân  thoát khỏi đói nghèo mà còn giúp nông dân vươn lên làm giàu.

Bà Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc TTKN tỉnh cho biết, thực hiện chủ trương giúp đỡ các xã miền núi phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, TTKN tỉnh đã tích cực triển khai xây dựng các mô hình sinh kế giúp người dân phát triển sản xuất.  Đơn vị tập trung xây dựng các mô hình theo hướng phát huy thế mạnh của các sản phẩm có lợi thế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Hướng dẫn người dân chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất có giá trị thu nhập cao hơn.

Trước khi thực hiện, trung tâm đã nhiều lần khảo sát, phối hợp với chính quyền địa phương để có sự thống nhất, chọn ra những mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng và phù hợp với trình độ của người dân. Đến thời điểm hiện tại, các mô hình do đơn vị thực hiện trên địa bàn tỉnh đều sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn mang lại thu nhập ổn định. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức nhân rộng mô hình khuyến nông cho nông dân trên địa bàn tỉnh ngày càng đạt hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục