Nhiều điểm mới
Trong bối cảnh các bệnh viện trên toàn quốc thiếu trang thiết bị, vật tư y tế… do khó khăn trong quá trình đấu thầu mua sắm, thì Nghị định số 07 và Nghị quyết số 30 được ban hành đã cơ bản tháo gỡ những “nút thắt”.
Dược sỹ Nguyễn Thế Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, theo Thông tư số 68/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính, căn cứ xây dựng giá gói thầu được xác định là: “Giá thị trường được tham khảo từ ít nhất 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất, tối đa không quá 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu”. Quy định này khiến nhiều đơn vị y tế rất khó xây dựng giá gói thầu, dẫn đến thiếu vật tư cục bộ. Cũng theo Thông tư số 68, trong trường hợp không đủ 3 nhà cung cấp trên địa bàn tỉnh, chủ đầu tư có thể tham khảo trên địa bàn khác hoặc từ các nguồn thông tin theo quy định, tham khảo giá trúng thầu của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 90 ngày. Quy định này cũng gây khó khăn cho quá trình đấu thầu, hoạt động của bệnh viện.
Nghị quyết số 30/NQ-CP được ban hành kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho ngành Y tế.
Nghị quyết số 30 được ban hành đã cho phép hướng mới trong thí điểm xây dựng giá gói thầu không nhất thiết phải có 3 báo giá. Giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp theo 1 trong 2 hình thức.
Một là tối thiểu trong 10 ngày, chủ đầu tư gửi thông báo mời chào giá với yêu cầu kỹ thuật lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế, trang thông tin điện tử của đơn vị hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Hết thời gian thông báo mời chào giá, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được làm cơ sở xây dựng giá gói thầu. Trường hợp chỉ có 1 hoặc 2 nhà phân phối cung cấp báo giá thì được sử dụng các báo giá đó để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.
Hai là chủ đầu tư lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối hoặc bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác. Việc xác định giá gói thầu được dựa trên tính năng kỹ thuật, nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính của chủ đầu tư.
Ngoài ra, Nghị quyết số 30 còn có một số điểm mới như cho kéo dài thời gian thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) với máy mượn, đặt; sử dụng máy viện trợ, biếu tặng vẫn được thanh toán BHYT.
Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn
Lâu nay, câu chuyện thiếu vật tư, trang thiết bị y tế đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động khám, chữa bệnh của ngành Y tế. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở các bệnh viện khiến người bệnh có BHYT phải mua thuốc bên ngoài, trong khi có nhiều loại thuốc thuộc phạm vi thanh toán của BHYT. Thậm chí nhiều bệnh nhân có tiền nhưng vẫn không mua được thuốc vì vướng phải “cơ chế”. Đây là những vướng mắc chung của ngành Y tế cả nước chứ không riêng Tuyên Quang.
Vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP có lẽ là văn bản pháp quy được nhiều người trông mong nhất vì đã tháo được nhiều điểm nghẽn trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế mà các đơn vị y tế đang gặp khó, nhất là đối với những bệnh viện tuyến cuối, có nhiều xét nghiệm chuyên sâu và đặc thù, hay với những bệnh viện có máy đặt, máy mượn…
Bác sỹ chuyên khoa II Ngọc Đại Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, Nghị quyết 30 sẽ giải quyết được “nút thắt” trong thanh toán bảo hiểm y tế, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm đang vướng mắc. Việc Nghị quyết 30 cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán sẽ không chỉ tháo gỡ cho các bệnh viện, mà còn góp phần sử dụng hiệu quả các máy này cho công tác khám chữa bệnh, đặc biệt trong triển khai các kỹ thuật cao, chuyên sâu.
Anh Bế Việt Đức, Phó khoa Dược- Thiết bị Y tế, Trung tâm Y tế huyện Na Hang cho biết, trước đây yêu cầu phải có 3 báo giá thì đơn vị mới làm cơ sở để xây dựng gói thầu trong mua sắm, sửa chữa, trong khi nhiều trang thiết bị y tế chỉ có 1-2 đại diện nhà cung cấp. Vì thế, đơn vị gặp khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Do đó, Nghị quyết 30/NQ-CP đã giúp đơn vị gỡ được vướng mắc về yêu cầu 3 báo giá như trước. Đơn vị đã khẩn trương đấu thấu trang thiết bị y tế. Đến nay, Trung tâm Y tế huyện Na hang đã đăng tải thông báo mời chào giá các trang thiết bị phục vụ cho công tác khám, điều trị. 10 ngày sau đơn vị sẽ tổng kết các hồ sơ báo giá để làm cơ sở xây dựng gói thầu. “Trước đây, việc làm hồ sơ dự toán gói thầu rất khó khăn, mất ít nhất 9 tháng mới xong. Nay có Nghị quyết 30/NQ-Cp thì khoảng 3 tháng là chúng tôi đã làm xong hồ sơ dự toán gói thầu để gủi về Sở Y tế”- anh Đức nói.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Đinh Hữu Vinh, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) cho biết, đều đặt mỗi tháng anh phải vào Trung tâm Y tế huyện khám và lấy thuốc huyết áp một lần. Việc khám và lấy thuốc có bảo hiểm chi trả, tuy nhiên nhiều tháng trước thuốc cấp cho anh thường thiếu hoặc có thuốc điều trị bệnh của anh nhưng lại không đúng loại anh thường uống. Anh mong sau khi Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành sẽ không còn tình trạng thiếu thuốc như trước đó nữa.
Nghị quyết 30/NQ-CP được ban hành đã tháo gỡ nút thắt đấu thầu trang thiết bị y tế cho các bệnh viện và nhiều vướng mắc của ngành y tế trong thời gian qua. Tuy nhiên, các bệnh viện cho rằng, đây là những giải pháp mang tính cấp bách, còn để giải quyết lâu dài, cần xây dựng những quy định pháp luật rõ ràng về việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, xây dựng các quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế trong dự án Luật Đấu thầu, bảo đảm phù hợp với đặc thù của ngành Y tế.
Gửi phản hồi
In bài viết