Thực phẩm bẩn vẫn hoành hành
Ngày 21-2-2023, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh dừng phương tiện, kiểm tra phát hiện xe ô tô do tài xế Đỗ Đức D., thường trú tại Tuyên Quang điều khiển, chở số lượng lớn hàng thực phẩm gồm đùi gà, cánh gà ăn liền, xúc xích, chả mực không rõ nguồn gốc xuất xứ đang lưu thông trên Quốc lộ 2 hướng Hà Nội- Tuyên Quang thuộc địa phận thành phố Tuyên Quang. Qua kiểm tra phát hiện có 3.800 đùi, cánh gà ăn liền, 168 kg xúc xích và 20 kg chả mực chưa qua chế biến. Toàn bộ số hàng hóa trên đều là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua khai thác, tài xế khai nhận số hàng hóa trên mua lại của một người không rõ lai lịch ở Hà Nội, đang trên đường vận chuyển về Tuyên Quang để bán kiếm lời thì bị lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện.
Các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bị các lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ ngày 6-3-2023.
Đến ngày 6-3-2023, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang tiếp tục phối hợp với hai đơn vị trên kiểm tra và phát hiện xe ô tô BKS 22A-074.36 vận chuyển 378 kg xúc xích và 100 kg chả cá không có nguồn gốc xuất xứ. Được biết số hàng trên là của bà Nguyễn Thị N., tổ 6, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) vừa là chủ hàng cũng là người điều khiển phương tiện. Bà N. khai nhận số hàng hóa trên mua lại của một người không rõ lai lịch, đang trên đường vận chuyển về Tuyên Quang để bán lại kiếm lời thì bị lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện và bắt giữ.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang, từ đầu năm đến nay ngành đã phối hợp với các ngành chức năng phát hiện 12 vụ vi phạm hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, 1 vụ hàng quá hạn sử dụng. Còn theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, trong quý I-2023, toàn tỉnh đã ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm, với 6 người bị ngộ độc, trong đó có 1 vụ xảy ra tại thôn Thanh Bình, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) làm 2 em học sinh phải nhập viện, nghi là ăn thạch ở cổng trường học; 1 vụ xảy ra tại gia đình bà Nguyễn Thị Cúc, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) nguyên nhân do ăn mỳ tôm với xúc xích, nấm kim chi.
Đoàn Kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra các mặt hàng bày bán tại Winmart Vincom Plaza Tuyên Quang.
Người tiêu dùng... vô tư
Từ một số kết quả xử lý và số liệu thống kê trên cho thấy, thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không an toàn luôn rình rập tuồn vào bữa ăn của người dân, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngộ độc. Trong khi đó, hàng ngày, người dân vẫn phải mua và sử dụng thực phẩm bằng sự tin tưởng vào người bán cùng kinh nghiệm của mình. Mặt khác, một bộ phận người dân đời sống kinh tế còn khó khăn nên vẫn chấp nhận sử dụng thực phẩm trôi nổi, giá rẻ mặc dù biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.
Em Lưu Thị Thanh Thảo, sinh viên trường Đại học Tân Trào chia sẻ: em và các bạn cùng phòng rất thích ăn đồ nướng như chân gà, cánh gà, thịt xiên... Mặc dù biết những đồ đông lạnh này có thể nguy hiểm, không bảo đảm an toàn nhưng nó phù hợp với túi tiền sinh viên nên đành tự nhủ là “khuất mắt trông coi”, “người khác ăn được thì mình cũng ăn được”.
Có mặt tại nhiều điểm chợ trên địa bàn tỉnh, chúng tôi chứng kiến nhiều tiểu thương trưng bày hàng hóa không che đậy, tiếp xúc với gió bụi, ruồi nhặng đậu kín. Các mặt hàng thực phẩm như tôm khô, cá khô... chỉ có số ít được bao bọc, đóng gói, có ghi nguồn gốc, xuất xứ theo quy định còn lại hầu hết không có bao bì, nhãn mác, vì thế người mua khó biết được nơi sản xuất, hạn sử dụng của sản phẩm.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng bày bán thực phẩm đã nấu chín cùng với thực phẩm tươi sống như các loại bánh, giò chả, thịt lợn quay để chung sạp với thịt chưa qua chế biến. Còn ở những khu bán thực phẩm tươi sống, nếu khách hàng có nhu cầu thì người bán sẽ làm tại chỗ, sau đó chỉ rửa qua loa bằng nước nên nền chợ luôn ẩm ướt, ruồi nhặng.
Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, phường An Tường (TP Tuyên Quang) bày tỏ: “Tôi cũng có nghe nhiều về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng không biết phải làm thế nào. Bao năm nay tôi vẫn mua thực phẩm ở những hàng quen vì tin tưởng chủ quán nhập những mặt hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Đồng chí Hoàng Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang cho biết, để kiểm soát lưu thông sản phẩm thịt đông lạnh hiện có sự tham gia phối hợp của lực lượng công an, quản lý thị trường, cơ quan thú y, thanh tra y tế. Tuy nhiên, lực lượng còn mỏng, chỉ đủ quân số để thanh tra, kiểm tra tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, hệ thống siêu thị trong khi mặt hàng này được bày bán ở khắp nơi, đặc biệt là trên các mạng xã hội. Do đó, người tiêu dùng cần chủ động tiếp cận nguồn thông tin từ cơ quan chức năng để cập nhật kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi mua hàng, hãy là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ, rõ ràng, thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản sử dụng, hạn sử dụng đều phải được in đầy đủ trên nhãn. Đặc biệt, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng không nên ham rẻ, sản phẩm không rõ ràng, không đăng ký công bố chất lượng sản phẩm...
Gửi phản hồi
In bài viết