Phân loại rác tại nguồn
Tiêu chí 17 của bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 quy định: Đối với các địa phương trung du miền núi phía Bắc, tỷ lệ hộ gia đình phân loại chất thải rắn tại nguồn và tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định từ 30% trở lên.
Trong khi bộ tiêu chí cũ chỉ nêu: Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định.
Ông Trần Đình Hạnh, Chủ tịch UBND xã Kháng Nhật (Sơn Dương) cho biết, thực hiện tiêu chí môi trường, Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM xã đã giao cho các tổ chức chính trị - xã hội phụ trách từng thôn, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phân loại rác thải ngay từ gia đình. Rác hữu cơ sẽ được tận dụng để làm phân bón cho cây trồng, rác thải nhựa, túi ni-lon sẽ được thu gom, phân loại để xử lý.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn hỗ trợ xe chở rác cho người dân xã Đức Ninh (Hàm Yên)
Ông Hà Hữu Vịnh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Trung Tâm, xã Kháng Nhật cho biết, thôn đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phân loại rác ngay trong từng gia đình, rác hữu cơ sẽ được chôn lấp hoặc ủ hoai làm phân bón cho cây trồng. Riêng những chai nhựa, lon bia, hộp nhựa sẽ được thu gom để bán lại cho những người thu mua đồng nát, sắt vụn. Còn lại rác tạp sẽ được vận chuyển về điểm tập kết rác của thôn để xử lý. Ông Vịnh chia sẻ, nhân dân trong thôn cùng đóng góp để xây dựng điểm tập kết rác có mái che, sân phơi, hố xử lý rác được đào rộng, khi lượng rác tập kết nhiều, luân phiên các gia đình sẽ cử người phơi khô để đốt.
Ông Nguyễn Thanh Bình, chuyên viên phụ trách tiêu chí môi trường Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho rằng, không phải xã nào cũng có trình độ dân trí đồng đều để tổ chức thực hiện. Một số thôn bản vùng sâu, vùng xa việc thực hiện phân loại, thu gom rác thải là cả một vấn đề lớn.
Điển hình như thôn 6 Minh Tiến, xã Minh Hương (Hàm Yên) thôn cách trung tâm xã 6-7 km, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Bà Hoàng Thị Thương, trưởng thôn 6 Minh Tiến cho biết, các tổ chức đoàn thể trong thôn đã đến từng khu, cụm dân cư “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn nhân dân phân loại rác thải. Nhưng không có người thu gom thì sẽ khó để nhân dân duy trì thói quen phân loại rác.
Tại các xã đã về đích NTM từ nhiều năm trước cũng đang gặp khó trong thực hiện tiêu chí môi trường. Dù có làm tốt khâu phân loại tại nguồn nhưng quá trình thu gom, rác vẫn được trộn lẫn, xử lý như nhau do chưa có khu xử lý riêng rác hữu cơ, vô cơ.
Chủ động tháo gỡ khó khăn
Tiêu chí số 17 của bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 còn nêu chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung từ 10% trở lên. Trong khi bộ tiêu chí cũ chỉ yêu cầu tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định. Với chỉ tiêu này thì rất nhiều xã, ngay cả những xã đã về đích nông thôn mới nhiều năm về trước cũng khó có thể đáp ứng. Nguyên nhân là do hầu hết các xã chưa được đầu tư công trình nước sạch tập trung.
Ông Trần Mạnh Tường, Trưởng thôn Cây Vạng, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) cho biết, 100% số hộ trong thôn sử dụng nước giếng khoan và giếng khơi, xã chưa có công trình cấp nước sạch tập trung để cung cấp cho bà con sử dụng.
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng tại xã Minh Hương (Hàm Yên).
Hoàn thiện tiêu chí môi trường theo hướng được đến đâu chắc đến đó, tỉnh đang tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch, trong đó, ưu tiên các xã khó khăn về nguồn nước, nằm trong lộ trình xây dựng NTM. Ông Phạm Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết, trung tâm đã tham mưu cho tỉnh để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung.
Theo đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh được đầu tư nâng cấp, xây mới 26 công trình cấp nước sạch, với tổng vốn lên đến trên 190,3 tỷ đồng, bao gồm vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng của tỉnh. Hiện tại đã có 21 công trình đã được sửa chữa, xây mới, dự kiến trong thời gian ngắn nữa sẽ có thêm 12.201 hộ được sử dụng nước sạch.
Đối với vấn đề phân loại rác tại nguồn, xử lý chất thải nhựa, hiện mỗi địa phương cũng linh hoạt cho phù hợp với tình hình.
Ông Trần Đình Hạnh, Chủ tịch UBND xã Kháng Nhật cho rằng, toàn xã chỉ có 2 thôn là thôn Trung Tâm và Cây Mít xây dựng được hố rác tập trung, còn các thôn khác do các hộ dân sống rải rác nên xã vận động bà con tự xây dựng hố rác tại khu vực gia đình để xử lý.
Cũng như xã Kháng Nhật, xã Đức Ninh (Hàm Yên) mục tiêu về đích NTM nâng cao, trong khi chờ ký được hợp đồng thu gom rác với đơn vị vệ sinh môi trường xã cũng phải vận động bà con phân loại rác, đồng thời, xây hố rác trong khuôn viên vườn để xử lý giảm thiểu đến mức tối đa rác xả ra môi trường.
Các chuyên gia về môi trường cho rằng, mục tiêu của NTM là xây dựng nông thôn trở thành miền quê đáng sống. Do đó việc phân loại, xử lý rác, đặc biệt là rác thải nhựa là việc cấp bách hiện nay khi nhiều vùng nông thôn tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đã đến mức báo động. Rất nhiều con suối, hồ ao ngập ngụa trong rác thải, trong đó nhiều nhất là túi nilong, vỏ chai nhựa... Mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, hạn chế sử dụng túi ni-lon. Trên thực tế rác tạp mà người dân tự xử lý có một lượng lớn túi ni-lon chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài nếu cứ xử lý bằng phương pháp đốt thủ công sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chính sức khỏe của người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết