Chị Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động; thực hiện Nghị quyết số 73 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc huy động trẻ đi nhà trẻ và yêu cầu thực tế về chất lượng bữa ăn hàng ngày của trẻ mầm non ở địa phương, năm 2020, Hội đã xây dựng mô hình “Vườn rau của bé” tại trường Mầm non Phúc Ứng. Trên diện tích hơn 360 m2, Hội Phụ nữ xã đã huy động hội viên dọn đất, đầu tư phân bón, cây giống, trồng các loại rau, củ quả theo mùa vụ như: mùng tơi, xu hào, bắp cải, rau muống, su su... Nhiều diện tích trong trường trước đây bỏ hoang, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường nay đã được cải tạo trở thành vườn rau sạch khiến cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp. “Vườn rau của bé” xanh tốt, các em được cung cấp rau xanh, an toàn, thấy được điều đó, nên phụ huynh và cán bộ giáo viên cũng phấn khởi.
Hội Phụ nữ xã Phúc Ứng (Sơn Dương) đang chăm sóc rau tại mô hình “Vườn rau của bé”.
Mô hình được nhiều chị em phụ nữ nhiệt tình tham gia, ai có thời gian rảnh rỗi lại cùng nhau đến nhổ cỏ, xới đất, tưới cho rau. Chị Phùng Thị Mến, thôn Hang Hút nói, mỗi tuần chị và các hội viên trong thôn lại dành 2 buổi chiều cùng nhau ra chăm sóc vườn rau, đảm bảo theo quy trình canh tác rau sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Với mong muốn góp một phần công sức nhỏ của mình để các cháu có được những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh trong các bữa ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhìn vườn rau xanh tốt các em học sinh không chỉ được ăn rau sạch, an toàn mà còn được học tập, vui chơi bên những luống rau tươi tốt, phụ huynh và Ban Giám hiệu trường mầm non cũng rất phấn khởi. Cô giáo Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng trường Mầm non Phúc Ứng chia sẻ, trường hiện có 626 em học sinh học tại 4 điểm trường. Năm học 2020 - 2021, được Hội Phụ nữ xã triển khai mô hình vườn rau của bé tại trường, nhà trường rất đồng tình và ủng hộ. Vì mô hình không chỉ giúp trẻ mầm non làm quen với thế giới thực vật sinh động qua các giờ học ngoài trời. Các em trực tiếp tham gia trồng, chăm sóc rau, chứng kiến quá trình sinh trưởng phát triển của cây, thu hoạch các sản phẩm từ vườn rau và hưởng thụ thành quả lao động của mình khiến vườn rau càng thêm ý nghĩa. Thông qua mô hình này, các em được rèn kỹ năng lao động và nhiều điều bổ ích.
Đến nay, mô hình đã được nhân rộng ra 2 điểm trường thôn Khuôn Ráng, Định Chung với diện tích trên 600 m2, được trang bị hệ thống vòi phun nước thuận tiện. Mỗi lần thu hoạch được từ 15 - 20 kg rau xanh, phục vụ bữa ăn cho các cháu.
Mô hình “Vườn rau của bé” do Hội Phụ nữ xã Phúc Ứng (Sơn Dương) là mô hình làm điểm của Hội Phụ nữ huyện, được nhiều cơ sở hội đến tham quan, học tập. Mô hình không những đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn giúp các em học sinh có không gian vui chơi, hoạt động ngoài trời, trải nghiệm thú vị. Đồng thời nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ, cũng như cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng giáo dục trẻ mầm non.
Gửi phản hồi
In bài viết