Trường mầm non nói không với rác thải nhựa

- Giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa trong các trường mầm non đã được chú trọng với nhiều mô hình, hoạt động thiết thực. Từ đó, nâng cao nhận thức, tạo thái độ, hành vi tốt của trẻ đối với môi trường xung quanh.

Ông Vũ Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT cho biết, để thực hiện phong trào “Nói không với rác thải nhựa” một cách có hiệu quả, các trường đã tăng cường tổ chức và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền cho giáo viên, học sinh, phụ huynh về nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa nhựa, túi nilon. Nhiều hoạt động phòng, chống rác thải diễn ra sôi nổi ở các trường mầm non như tổ chức cuộc thi sáng tạo đồ dùng, đồ chơi cho trẻ từ các vật dụng tái chế của trường Mầm non Tân Trào, trồng hoa trong chai lọ nhựa và tạo hình thành các con vật đặt tại hành lang mỗi lớp học của trường Mầm non Nông Tiến (TP Tuyên Quang); làm đồ chơi vận động cho trẻ từ lốp xe, lon sữa của trường Mầm non Bình Xa, xã Bình Xa (Hàm Yên)...

Cô và trò trường Mầm non Nông Tiến (TP Tuyên Quang) làm đồ chơi từ vật liệu tái chế.

Ngoài hoạt động tuyên truyền và các hội thi giành cho giáo viên, nhiều nhà trường đã lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường vào chương trình dạy học cho trẻ. Cô giáo Trịnh Thị Ngọc Hoa, Hiệu trưởng trường Mầm non Đội Cấn (TP Tuyên Quang) cho biết, qua từng chuyên đề, trẻ được học cách phân biệt, phân loại rác thải, hậu quả của việc xả rác bừa bãi và hiểu được ý nghĩa của việc tái chế rác thải, bảo vệ môi trường. 2 năm trở lại đây, trường đã thay toàn bộ cốc uống nước, bát ăn cho trẻ từ nhựa sang inox. Trường cũng tuyên truyền tới phụ huynh không sử dụng hộp xốp, túi bóng đựng đồ ăn cho trẻ. Thứ 6 hàng tuần giáo viên tổ chức dọn vệ sinh trong khuôn viên trường, dọn dẹp đồ dùng, đồ chơi, hướng tới môi trường xanh - sạch - đẹp.

Làm đồ chơi cho trẻ từ nhựa tái chế đang là xu hướng của nhiều trường học. Trường Mầm non Tân Trào (TP Tuyên Quang) đã phối hợp cùng cha mẹ học sinh thu gom, tận dụng nguyên vật liệu: vỏ chai nhựa, giấy, bìa caton… đã qua sử dụng để tạo ra đồ dùng, đồ chơi, sử dụng thường xuyên trong hoạt động dạy và học, trưng bày tại các góc hoạt động của trẻ. Đầu năm học, nhà trường tổ chức thi sáng tạo đồ dùng, đồ chơi cho trẻ từ vật liệu tái chế để khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên. Hay tại trường Mầm non Tân An, xã Tân An (Chiêm Hóa) là một trong những trường còn thiếu thốn về trang thiết bị, điều kiện khó khăn nên việc mua đồ chơi cho trẻ cũng hạn chế. Do đó, các cô thường dùng ống hút sữa, lon sữa, thanh gỗ sơn màu tạo thành đồ chơi. Những đồ chơi này khi va vào nhau tạo ra các âm thanh khiến trẻ thích thú. Các cô còn làm những chậu hoa từ lốp xe, chai nhựa bỏ đi tạo nên khuôn viên vui chơi ngoài trời cho trẻ.

Chị Hoàng Thị Linh, giáo viên trường Mầm non Tân An (Chiêm Hóa) cho hay, để tái chế các sản phẩm từ rác thải nhựa, chị xem clip trên mạng và học cách tạo hình các vật dụng thành những lọ hoa, ô tô, các con vật... Những món đồ dễ làm chị đưa vào tiết học để hướng dẫn trẻ cùng làm. Qua hoạt động làm đồ chơi các con vô cùng hứng thú, nhờ vậy đã phát huy tính tư duy và sáng tạo của trẻ.

Nhờ sáng kiến biến rác thải thành đồ chơi, các trường không chỉ giúp hạn chế đưa rác thải ra môi trường, tiết kiệm kinh phí mua sắm mà còn tạo ra niềm vui có đồ chơi mới cho trẻ. Đặc biệt, phong trào đã thu hút đông đảo phụ huynh cùng tham gia. Chị Trần Thị Thắm có con đang học lớp 5 - 6 tuổi trường Mầm non Hoa Sen (TP Tuyên Quang) cho hay, được các cô hướng dẫn nên về nhà con chị đã ý thức bỏ rác đúng nơi quy định. Cháu hỏi xin mẹ vỏ nhựa để mang đến lớp cùng cô và các bạn cắt làm thành đồ chơi, có khi nhờ bố cắt làm chậu trồng hoa để trang trí nhà cửa.

Việc hình thành ý thức phòng, chống rác thải nhựa cho trẻ mầm non là rất quan trọng nhằm xây dựng thói quen tốt ngay từ nhỏ cho các em. Tuy nhiên, để phong trào “Nói không với rác thải nhựa” có sức lan tỏa, không chỉ mang tính hình thức rất cần sự vào cuộc của cả xã hội.
                       

Bài, ảnh: Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục