Cần thống nhất giá các dịch vụ du lịch tâm linh

- Không chỉ có nhiều thắng cảnh đẹp, Tuyên Quang còn có nhiều đền, chùa nổi tiếng được công nhận là di tích quốc gia. Bởi vậy, sau Tết, khi dịch Covid -19 được kiểm soát, người dân trong cả nước đổ về Tuyên Quang lễ đền, dâng hương đầu xuân.

Tuy nhiên, theo phản ánh của du khách, tại một số điểm du lịch, nhất là các điểm du lịch tâm linh đền, chùa tại thành phố Tuyên Quang còn tồn tại những bất cập như giá dịch vụ cao so với thị trường, bán hàng không niêm yết, gây bức xúc cho du khách. Trước hết, phải kể đến dịch vụ trông giữ xe tại các điểm đền, chùa. Theo khảo sát của phóng viên, tại một số điểm đền, chùa, phí thu trông, giữ xe ô tô dao động từ 30 – 50 nghìn/lượt tùy loại, cụ thể xe ô tô con là 30 nghìn/lượt, ô tô 7 – 30 chỗ là 40 nghìn/lượt, xe trên 30 chỗ 50 nghìn/lượt... Một điểm chung, tại các điểm trông, giữ xe đều không niêm yết giá, trên vé gửi xe chỉ ghi con số, thậm chí không có vé. Vì vậy, người dân không biết giá tiền sẽ phải trả là bao nhiêu và phải chấp nhận mức giá người thu đề ra.

Hầu hết các sản phẩm bày bán tại cổng đền, chùa đều không niêm yết giá.
(Ảnh chụp tại đền Cấm, thành phố Tuyên Quang).

Anh Trần Minh Thuận, một nhà xe chuyên chở khách đến du lịch Tuyên Quang bức xúc, chúng tôi đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy nơi nào gửi xe phí cao như ở đây, nhất là 2 điểm đền Cấm và đền Thượng, xã Tràng Đà. Anh Thuận cho biết, ngày 27-3 vừa qua, anh đưa một đoàn khách từ Hà Nội đến các điểm đền, chùa của thành phố Tuyên Quang thăm thú. Ở mỗi điểm đến, giá thu phí trông xe cũng khác nhau, như đền Thượng, đền Cấm, xã Tràng Đà phí trông xe 50 nghìn/lượt; đền Cảnh Xanh, phường Minh Xuân, đền Hạ, phường Tân Quang phí 40 nghìn/lượt... Khi thắc mắc về giá trông xe không đồng nhất, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời “phí thu theo quy định”. 

Cùng với dịch vụ trông, giữ xe, tại các điểm du lịch tâm linh, phần lớn các quầy hàng hóa phục vụ khách du lịch đều không niêm yết giá và bán giá cao gấp nhiều lần so với giá thị trường. Với một loại hàng hóa, nhưng mỗi điểm bán một giá khác nhau. Theo khảo sát, cùng một chai mật ong Bạc Hà nhưng ở cổng đền Cảnh Xanh có giá 150 nghìn đồng, nhưng tại đền Hạ thì có giá 260 nghìn đồng hay lạc rang sẵn ở đền Cảnh Xanh có giá 60 nghìn đồng/kg, nhưng tại cổng chùa An Vinh có giá 70-80 nghìn/kg; nấm Hương bán cổng chùa An Vinh có giá 320 nghìn đồng/kg, tại chợ Tam Cờ giá chỉ có 300 nghìn/kg, trà Hồng Sâm có giá 100 nghìn/kg, tại chợ là 50 nghìn/kg...

Chị Nguyễn Thị Thảo, khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết, chị mua 1 kg củ tam thất tại cổng đền Hạ có giá 900 nghìn đồng/kg, nhưng khi ra chợ hỏi chỉ có 800 nghìn/kg. Mặc dù chỉ thêm vài chục, một trăm nhưng đã tạo ấn tượng không đẹp cho khách tham quan. Cũng giống như chị Thảo, chị Nguyễn Thị Huệ, một du khách đến từ Vĩnh Phúc cho biết, chị thấy phần lớn hàng hóa bán tại cổng các đền, chùa đều không niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng. Nhiều khi muốn mua về làm quà, nhưng lại e ngại. Đặc biệt, tại các quầy hàng bán cổng đền, chùa hơi ít sản phẩm lưu niệm đặc trưng và đặc sản địa phương. 

Trước tình trạng trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc, thống nhất mức giá dịch vụ, mua sắm tại các đền, chùa, bảo vệ quyền lợi của du khách, tạo hình ảnh đẹp cho du lịch xứ Tuyên.   

  Bài, ảnh: Bảo Ngọc

Tin cùng chuyên mục