Những người nhiệt huyết

- Nhiều người đã bỏ công sức của mình để mở các lớp học tình nguyện những mong nhân lên điều tốt đẹp ở cuộc sống. Đó là những lớp học dạy tiếng Anh cho trẻ em vùng cao, lớp dạy chữ cho trẻ em bị thiếu máu huyết tán trong bệnh viện, lớp học đàn Tính, hát Then, lớp dạy nói và viết cho du học sinh Lào... Đó thực sự là tiếng lòng của những người giàu nhiệt huyết với cuộc sống cộng đồng.

Đã 7 năm nay, ông Hoàng Liên Sơn, thôn Bản Nhùng, xã Năng Khả (Na Hang) gắn bó với lớp dạy đàn Tính, hát Then cho trẻ em trong xã. Ông mở lớp và dạy miễn phí, không màng đến chuyện thu tiền gì cả. Ông tâm niệm phải dạy từ nhỏ thì văn hóa Tày mới ngấm sâu. Hiện nay văn hóa lai căng từ mạng xã hội rất dễ xâm nhập vào lớp trẻ nếu không có định hướng, giáo dục văn hóa truyền thống. Vậy nên, việc ông mở lớp học miễn phí mong muốn góp phần vào việc bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, phục vụ phát triển du lịch trong tương lai.  Lớp học được mở năm 2014, ban đầu lớp học chỉ có 7-8 học sinh nhưng nay thì đông lắm, có thời điểm lên đến 40 em. Đám trẻ cứ lúc nào rảnh, không phải đi học, không phải phụ giúp bố mẹ việc nhà lại tíu tít rủ nhau đạp xe đến nhà ông để được học đàn, học hát. Tiếng hát ới la trong trẻo của đám trẻ hòa vang tiếng đàn Tính nặng nghĩa tình vang vọng khắp bản, như chất men say cho tình yêu văn hóa dân tộc.

Lớp học tình nguyện kỹ năng sống của các em nhỏ tại thôn Bản Khẻ, xã Trung Minh (Yên Sơn).

Nhiều câu lạc bộ tình nguyện trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức các lớp học ngắn ngày, lớp học tại chỗ gắn với hoạt động tình nguyện tại địa phương. Chị Triệu Hồng Nhung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tình nguyện “Cho đi là còn mãi” (TP Tuyên Quang) chia sẻ, thấu hiểu được những khó khăn của trẻ em vùng sâu, vùng xa trong việc tiếp cận với các hoạt động trải nghiệm cộng đồng nên trong mỗi chương trình của câu lạc bộ, các thành viên sẽ lên kế hoạch để tổ chức một “lớp học nhân ái” cho các em nhỏ. Tùy vào điều kiện thực tế, các em sẽ được tham gia học tiếng Anh, trải nghiệm các hoạt động để phát triển kỹ năng mềm hoặc ôn tập lại kiến thức đã học trên lớp. Đối với chị, mỗi lớp học là sự gắn kết đầy yêu thương của tình nguyện viên đối với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.

Em Hoàng Hoài An, lớp 3A, trường Tiểu học Đại Phú (Sơn Dương) nói, em thích nhất khi được tham gia lớp học kỹ năng sống do các anh chị tình nguyện viên Câu lạc bộ “Cho đi là còn mãi” tổ chức trong tháng 1 và tháng 2 vừa qua. Em và các bạn đã được học nhiều bài học ý nghĩa như cách tham gia giao thông an toàn, làm gì khi bị lạc đường, xử lý tình huống khi gặp người lạ... Các anh chị sinh viên đã cho chúng em làm việc theo nhóm, tham gia trò chơi hái hoa dân chủ, làm thẻ thông tin cá nhân ghi nhớ số nhà, số điện thoại người thân… Những kiến thức này em lĩnh hội được sẽ là hành trang cho em ở phía trước, tự tin hơn trong cuộc sống.

Chị Đặng Thị Dương, thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) hiện đang quản lý và tổ chức dịch vụ du lịch cộng đồng ở địa phương tâm sự, hàng tuần đều có các bạn sinh viên lên tham quan du lịch và có nhu cầu dạy học cho các em học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Hiểu được ý nghĩa nhân văn của các lớp học miễn phí, chị luôn tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức lớp bằng cách chủ động liên hệ với trường học, mượn địa điểm, sắp xếp thời gian dạy và học phù hợp… Đối với chị, những lớp học tình nguyện không chỉ đem lại trải nghiệm cho những du khách là sinh viên, học sinh mà còn là quãng thời gian hạnh phúc của trẻ em nơi đây khi được học tập, vui chơi, trải nghiệm tại những lớp học tình nguyện miễn phí ấy.

Một mùa hè lại đang đến gần, những lớp học tình nguyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc được mở ra hứa hẹn sẽ trở thành hoạt động xã hội được lan tỏa trong cộng đồng.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục