Sinh năm 1992, anh Nguyễn Việt Lâm ở xã Kháng Nhật (Sơn Dương) hiện là Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green farm chuyên cung cấp rau, củ, quả sạch trồng theo phương pháp thủy canh cho khách hàng. Mô hình có quy mô hơn 5.000 m2, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Anh Lâm từng tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội, chuyên ngành Cơ điện, năm 2017 sau quãng thời gian thử sức làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài, Lâm đã quyết định về quê để trồng rau sạch.
Thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thanh niên xã Tân An (Chiêm Hóa) chăm sóc vườn hoa.
Học một nghề khác, rồi làm nghề nông; nhưng sự khác biệt đó đã mang đến những thành quả thú vị. Vườn rau được ứng dụng công nghệ tưới hoàn toàn tự động, có lập trình thời gian, tự động bật tưới. Đến nay, trung bình mỗi năm Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green farm xuất ra thị trường gần 100 tấn rau, quả. Các sản phẩm rau của công ty đều được đăng ký và có tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm. Anh Lâm cho biết, làm gì cũng phải có kiến thức, làm nông dân cũng không hề đơn giản, muốn thành công không có cách nào khác là mình phải tự học hỏi và không ngừng sáng tạo.
Với ý chí vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, đoàn viên Quan Văn Bằng, thôn Phiêng Luông, xã Bình An (Lâm Bình) đã xây dựng mô hình chăn nuôi mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ việc tham quan học hỏi các mô hình thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn các huyện lân cận, năm 2019 anh đã vận động gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi 15 con trâu vỗ béo, sau 4 tháng trâu được xuất bán thu lãi hơn 50 triệu đồng. Nhận thấy mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2019 anh đăng ký vay 150 triệu đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi. Hiện anh Bằng chăn nuôi thường xuyên từ 10 - 15 con trâu vỗ béo, 300 con gà thịt.
Những năm gần đây, phong trào thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thanh niên xã Tân An (Chiêm Hóa) được thành lập năm 2020 với 7 thành viên là tập hợp của các mô hình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và dịch vụ khác nhau. Mới đây HTX triển khai ý tưởng phát triển du lịch từ trồng hoa phục vụ nhu cầu tham quan, chụp ảnh phục vụ du khách.
Anh Nguyễn Đức Hạnh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thanh niên Tân An (Chiêm Hóa) chia sẻ, trào lưu chụp ảnh ngoại cảnh phát triển mạnh mẽ, cứ vào những ngày nghỉ lễ hay dịp cuối tuần, mọi người thường tìm đến những nơi có phong cảnh đẹp để thư giãn và lưu lại các bức ảnh kỷ niệm. Nắm bắt xu hướng đó, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thanh niên xã Tân An đã bắt tay vào xây dựng homestay, hồ câu, vườn hoa phục vụ du khách tham quan. Hiện HTX đã trồng được 5.000 m2 hoa hồng cổ, cúc, cẩm tú cầu, đồng tiền... tổng kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Trồng hoa khai thác du lịch hứa hẹn là mô hình đang đem lại nguồn thu cho hợp tác xã.
Cũng trên ý tưởng tập hợp sức mạnh của đoàn viên thanh niên tương trợ nhau trong phát triển kinh tế, năm 2019, Tổ hợp tác thanh niên trồng cây ăn quả có múi xã Kim Bình (Chiêm Hóa) được thành lập với 15 thành viên. Hiện tổ hợp tác có hơn 10 ha chanh tứ thì, bưởi, cam... Anh Đặng Văn Thịnh, Bí thư Đoàn xã, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh niên trồng cây ăn quả có múi xã Kim Bình cho biết, từ khi thành lập đến nay, tổ hợp tác thực hiện canh tác an toàn sinh học, do vậy sản phẩm của các tổ viên được thị trường đón nhận, có thu nhập ổn định. Thời gian tới, tổ hợp tác tiếp tục hỗ trợ các thành viên về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi, tìm hướng liên kết với các tiểu thương, doanh nghiệp bảo đảm ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Những mô hình kinh tế của tuổi trẻ đã góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, tạo khí thế thi đua vươn lên làm giàu trong đoàn viên thanh niên, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết