Mười bát nhang, hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa dành phần cho đất
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.
Hoa Cỏ May khâu nặng ống quần, kìa
Ơi các em tuổi quàng khăn đỏ
Bên bia mộ xếp hàng nghiêm trang quá
Thương các chị phải không? Thì hãy quay về
Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống
Các chị nằm còn khát bóng cây che.
Hai mươi tám năm trôi qua, chúng tôi không thêm một tuổi nào
Ba lần chuyển chỗ nằm, lại trở về Đồng Lộc
Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng, mười chị em không có gạo
Nắm mì luộc chia nhau, rồi vác cuốc ra đường.
Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều
Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi, tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây Bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.
Ngã ba Đồng Lộc, thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn hùng vỹ. Ngã ba Đồng Lộc, địa danh huyền thoại, nơi ghi dấu quyết tâm của quân và dân ta: Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do, thống nhất đất nước…
Biết bao máu xương đã đổ xuống đất này, trong đó có sự hy sinh đã trở thành huyền thoại của 10 cô gái TNXP thuộc tiểu đội 4, đại đội 552, tổng đội 55. Ngày 24/7/1968, trận bom thứ 15 trong ngày của Mỹ đã dội xuống Đồng Lộc, một quả đã rơi trúng cửa hầm trú ẩn của các chị… Các chị đã mãi mãi nằm lại với trời xanh Can Lộc, khi tuổi đời còn quá trẻ và chưa có ai lập gia đình…
Tháng 7/1995, nhà thơ Vương Trọng đến thăm Đồng Lộc, tưởng nhớ 10 bông hoa tuổi mười tám, đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời, ông đã xúc động viết bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc”. Với thể thơ tự do, không câu nệ vần điệu, nhà thơ đã “hóa thân” để nói hộ suy nghĩ của 10 cô gái TNXP: “Mười bát nhang, hương cắm thế đủ rồi/Còn hương nữa dành phần cho đất/Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi/Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc/Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp/Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi…”.
Mạch suy tưởng nặng sâu ý nghĩa tâm linh của tác giả tiếp tục, khiến người đọc không khỏi rưng rưng xúc động: “Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc/Về bón chăm cho lúa được mùa hơn/Bữa ăn cuối cùng, mười chị em không có gạo/Nắm mì luộc chia nhau, rồi vác cuốc ra đường”… Bài thơ khép lại, day dứt, đầy nữ tính ở khổ thơ kết: “Cần gì ư, lời ai hỏi trong chiều/ Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/Ngày bom vùi, tóc tai bết đất/Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/Cho mọc dậy vài cây bồ kết/Hương chia đều trong hư ảo khói nhang…”.
Ba năm sau, bài thơ này được giới thiệu trong một tuyển tập thơ về Ngã ba Đồng Lộc. Khi đó, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tiến Tuẫn, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đọc được bài thơ này. Anh rất xúc động và đã về Hương Sơn tìm 2 cây bồ kết đưa về trồng cạnh mộ 10 cô gái TNXP. Hai cây bồ kết giờ đã vươn rộng, tươi cành, xanh lá chở che khu mộ các chị. Năm 2009, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh đã cho khắc bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” lên phiến đá có chiều cao 2,5m, rộng 1m. Mặt trước phiến đá là bản tiếng Việt của bài thơ, mặt sau là bản tiếng Anh do dịch giả Trần Đình Hoành dịch…
Chiến tranh là khốc liệt, là gian khổ, hy sinh. Nhắc nhớ điều đó để mỗi chúng ta biết nâng niu, trân trọng hơn giá trị của hòa bình ngày hôm nay. Đọc bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng giữa những ngày tháng 7 đầy ý nghĩa này, tôi như thấy đâu đây hương bồ kết dịu dàng, vương vấn, như lời tri ân, lời tưởng nhớ thành kính hướng về các chị. Những người đã dệt nên bản hùng ca bất tử của dân tộc, những vầng mây ấm áp, dịu dàng, đang phiêu diêu giữa mênh mang trời xanh Can Lộc…
Gửi phản hồi
In bài viết