Vẫn như mọi năm, các cụ bạn của bà thi nhau đọc thơ mừng tuổi bà. Quà sinh nhật của bà nhiều nhất là thơ, những nụ cười và những cái bắt tay nồng ấm. Ai không biết lại cứ tưởng đây là buổi sinh hoạt câu lạc bộ thơ người cao tuổi của thôn. Cái chung, cái riêng trộn lẫn hòa vào nhau vui lắm. Nhà bà ở, con bà mở quán cà phê, giải khát nên tha hồ chỗ cho các cụ, cho bạn bè của bà gặp gỡ giao lưu. Khác với ngày thường, hôm nay bàn nào cũng có một lọ hoa tươi. Mấy chai rượu thuốc các cụ mang đến mừng tuổi bà, được rót ra cho mọi người cùng uống khiến một số cụ ông ngà ngà say. Rượu vào thơ ra, toàn những lời hay ý đẹp. Bà Thảo tất bật cười nói ngỡ như trẻ lại thêm mấy tuổi.
Cuộc vui đã khá dài, chiều buông xuống tự bao giờ. Cơn mưa đang vần vũ kéo tới. Mọi người lục tục ra về. Khách vãn. Con cháu bà Thảo tập trung dọn dẹp. Chợt có một thanh niên đi chiếc xe Win đỗ xịch trước cửa. Anh ta chống xe và ngơ ngác vào quán. Thấy anh, bà Thảo thoáng giật mình, trân trân nhìn người khách lạ.
“Xin lỗi! Bà cho cháu hỏi đây có phải nhà bà Thảo không ạ?”. “Đúng rồi! Tôi là Thảo đây! Có việc gì vậy cậu?”. “Dạ... dạ... cháu...”.
Mấy đứa con bà đang dọn dẹp chạy lại: “Hôm nay chúng tôi nghỉ bán hàng, anh thông cảm”. Người khách lúng túng nhìn cơn mưa đang kéo tới. Như hiểu lòng anh ta, bà Thảo đon đả: “Mời cậu vào quán nghỉ đã. Cậu có dùng gì không? Uống ly cà phê nhé?”. “Dạ... Không...”. Ngần ngừ một lát rồi anh ta trả lời: “Vâng, bà cho cháu một ly đen đá ạ”.
Trời bắt đầu lắc rắc mưa. Ngồi nhâm nhi ly cà phê, thấy cây đàn ghi ta treo trên tường, ngay dưới bức chân dung một thiếu nữ rất đẹp, chắc là của bà Thảo thời còn trẻ, người khách ngắm nhìn và đoán vậy. Anh ta cất lời: “Xin phép bà, bà có thể cho cháu mượn cây đàn một lát được không ạ?”. “Được! Nếu cậu muốn!”. Bà Thảo đáp và tò mò nhìn anh thanh niên lựa đàn so dây. Đoạn, anh bắt đầu dạo khúc nhạc của mình.
“Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng...”. “Bài ca Hy vọng”, gam mi trưởng, Hải Thoại soạn cho ghi ta. Đúng rồi! Bà Thảo gần như reo lên. Từng nốt nhạc ríu rít như tiếng chim, róc rách như suối chảy. Bà Thảo đờ người nghe như uống lấy từng giọt đàn. Trời ơi! Hay quá! Tuyệt diệu quá! Lâu lắm rồi bà mới được nghe người đàn hay đến thế. Cái đoạn “về tương lai...” anh ta “tremono” mới điêu luyện làm sao. Mặc ngoài trời tí tách mưa rơi, chẳng quan tâm đến xung quanh, người thanh niên cứ thả hồn theo cung đàn. Anh ta như lên đồng. Dáng ngồi ấy, ngón đàn ấy gợi cho bà Thảo nhớ tới một người. Phải rồi, người ấy bỏ bà đi đã bốn mươi hai năm...
Tiếng đàn dứt đã lâu, bà Thảo vẫn nhắm mắt mơ màng đung đưa.
“Cây đàn đẹp quá, chuẩn quá. Bà có thể bán cho cháu được không?”. Bà Thảo giật mình: “Cậu bảo gì cơ?”. “Bà có thể bán cho cháu cây đàn này được không?”, người thanh niên nhắc lại. “Không! Nó là kỷ vật của đời tôi, theo tôi hơn bốn chục năm nay rồi đấy”.
Rồi như sợ người thanh niên lấy mất cây đàn, bà Thảo lại cầm nó: “Cậu thông cảm. Cho tôi xin”. “Thế thì... bà đúng là cô Thảo của bố cháu rồi”. “Cái gì? Cậu nói cái gì tôi không hiểu?”. Bà Thảo trợn tròn mắt, ngây người nhìn xoáy vào cậu thanh niên. Anh ta từ tốn: “Dạ. Đúng cô là bạn ngày xưa của bố cháu. Hôm nay sinh nhật lần thứ sáu mươi của cô phải không? Bố cháu bảo cháu đến chúc mừng cô bằng bản nhạc “Bài ca hy vọng” xem cô có nhận ra không. Dạ... thư và quà của bố cháu đây ạ”.
Người thanh niên nói liền một mạch và lấy một cái hộp gói rất cẩn thận từ trong chiếc túi du lịch cùng lá thư đưa cho bà Thảo. Bà Thảo tròn xoe mắt sững người. Cả nhà xúm lại hết nhìn anh ta lại nhìn bà. Bà Thảo run run bóc thư. Một tấm ảnh rơi ra. Loan, con gái út của bà nhặt vội lấy. Trong ảnh là hình bà chụp chung với một người đàn ông khi cả hai còn rất trẻ. Bà Thảo cầm tấm ảnh đọc lướt vội dòng thư. “Anh Toản ơi!”, bà chỉ kịp thốt lên có vậy rồi khuỵu xuống. Mọi người xúm lại dìu bà vào giường. Ngoài trời sầm sập cơn mưa.
Bốn mươi hai năm về trước, Thảo và Toản cùng học một lớp của trường sư phạm 10+3 của tỉnh. Trai tài gái sắc gặp nhau nên chỉ mấy tháng đầu họ đã trở thành đôi sam rất xứng. Toản hơn Thảo năm tuổi như anh trai luôn che chở, bảo ban cho em gái là Thảo. Tình yêu sét đánh gắn chặt hai người với nhau, luôn bên nhau như hình với bóng.
Toản cao ráo đẹp trai và có biệt tài về chơi đàn ghi ta. Anh mê đàn hơn bất cứ thứ gì. Hễ rảnh rỗi lúc nào là anh lại ôm đàn cắm cúi với những bản nhạc. Không như người khác hễ cứ ôm đàn là phập phừng, là vung tay múa dập, chơi đàn thì ít mà điệu bộ làm dáng thì nhiều, Toản chơi đàn một cách bài bản. Anh đánh vật với những bản nhạc cổ điển đầy những nốt nhạc như rá đỗ mọc mầm, những bè mảng rối rắm chi chít. Anh nghẹo đầu, nghiêng người theo các thế tay của các hợp âm. Những ngày đầu mười đầu ngón tay anh bật máu. Sau đó thì năm đầu ngón tay trái chai lỳ, bằng chằn chặn. Vớ được bản nhạc soạn cho ghi ta nào là Toản bỏ ăn, quên cả Thảo để tập. “Bài ca hy vọng” là một trong số những bản nhạc đó. Suốt ngày anh “từng đôi chim bay đi” đến nỗi bạn bè nghe cũng cảm thấy sốt ruột, phì cười. “Thằng này bị ma ám hay sao ấy? Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ thấy “từng đôi chim bay đi”. Bay quên cả cái Thảo rồi đấy”. Từng nốt nhạc như ngấm vào máu anh. Toản đàn, Thảo khe khẽ hát theo. Cho đến khi thành thạo, Toản như múa trên cây đàn với “Bài ca hy vọng”. Nó là bài tủ của anh mỗi khi cầm đến cây đàn.
Toản và Thảo là hạt nhân nòng cốt của môn nhạc lý, trong phong trào văn nghệ của trường. Hồi đó, nhà trường cấm trai gái yêu nhau. Hễ đôi nào hay đi với nhau là y như rằng sẽ bị chi đoàn kiểm điểm. Toản Thảo cũng bị mấy đêm sinh hoạt như thế. Mặc, hai người vẫn ngấm ngầm yêu nhau, thề non hẹn biển tan trường sẽ cưới nhau. Ấy vậy mà, năm 1965, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, lệnh tổng động viên được ban ra. Toản viết đơn bằng máu xung phong lên đường. Hôm liên hoan văn nghệ phục vụ lễ tòng quân, Toản - Thảo cùng đội đồng ca của lớp say sưa hát bài “Đi tới những chân trời”. Câu hát “đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc đang cần...” vang lên rộn rã tưng bừng trên sân khấu. Sau đó, Toản độc tấu ghi ta “Bài ca hy vọng”. Cả rừng người lặng đi nghe tiếng đàn của anh. Không khí ra quân vừa sục sôi vừa sâu lắng. Trước lúc lên đường Toản tặng Thảo cây đàn ghi ta và những nụ hôn cháy bỏng. Mới đó mà đã bốn mươi hai năm ba tháng hai ngày.
“Thảo thương yêu! Em còn nhận ra anh không? Anh là Toản của em ngày xưa đây. Hôm nay, sinh nhật lần thứ sáu mươi của em, anh không đủ sức để đến mừng em được nữa rồi. Con anh, thằng Tuân sẽ thay anh làm việc này...”.
Những dòng thư như nhảy múa trước mắt bà Thảo. Nước mắt bà rưng rưng. Vừa đọc thư bà Thảo vừa nấc lên. Những con chữ nhoè nhoẹt trước mắt bà. Qua thư, bà mới biết Toản đã tìm bà như thế nào. Biền biệt mấy chục năm chiến tranh, hết chống Mỹ lại sang Campuchia, mãi năm 1980 Toản mới có dịp tìm về trường cũ. Trường cũ đã giải thể, Toản tìm về quê Thảo. Thảo đã đi lấy chồng. Người thương binh cụt một bên chân ấy đã thẫn thờ quay về quê rồi đi vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên. Tại đây, anh lấy vợ và sinh ra thằng Tuân. Vợ Toản đã chết vì băng huyết ngay khi thằng Tuân vừa mới ra đời. Anh ở vậy không tục huyền. Cha già con cọc, gà trống nuôi con, tháng ngày đã bào mòn của anh sức khỏe và trí lực. Cũng may, Tuân khỏe, ngoan và có khiếu âm nhạc. Học hết “mười hai”, Tuân đỗ vào trường cao đẳng nghệ thuật quân đội. Tháng tới, Tuân nhập trường. Và hôm nay, Tuân đã tìm đến nhà bà Thảo theo ý nguyện của bố.
“Tình hình sức khỏe bố cháu bây giờ ra sao hả cháu?”. Bà Thảo bâng khuâng hỏi Tuân. “Bố cháu yếu lắm cô ạ. Cô ơi! Có phải cây đàn này là cây đàn ngày xưa của bố cháu không hả cô?”. “Đúng đấy! Cây đàn bố cháu tặng cô trước lúc lên đường đấy. Cô giữ nó như một báu vật. Chuyển hết trường nọ trường kia song cây đàn luôn theo cô, ở bên cô”.
Bà Thảo bồi hồi kể lại quãng đời của bà cho Tuân nghe.
Sau khi ra trường, bà được điều lên huyện miền núi vùng sâu vùng xa của tỉnh dạy học. Hơn chục năm nơi đèo heo hút gió bà mòn mỏi đợi trông tin người yêu. Mới đầu còn nhận được thư nhau song rồi thì mất liên lạc. Giải phóng năm 1975, người ta về ầm ầm mà Toản vẫn biệt vô âm tín. Sau rồi họ báo tử anh với nội dung “mất tích”. Thảo vật vã đớn đau. Ba năm sau Thảo lấy chồng. Chồng Thảo là thương binh. Cuộc sống gia đình bà khá hạnh phúc. Những đứa con của bà đều phương trưởng, có nghề nghiệp. Bà lên chức phó phòng giáo dục huyện rồi nghỉ hưu. Chồng bà mới mất cách đây vài năm do di chứng chiến tranh. Trong sâu thẳm lòng bà hình ảnh Toản với cây đàn ghi ta vẫn hiển hiện. Nhiều đêm bà mơ thấy Toản cùng tiếng đàn réo rắt bay bổng thuở sinh viên. Trời ơi! Thì ra anh vẫn còn sống, anh đã về tìm em, vậy mà... Thế là lỡ một cung đàn...!
Bà Thảo và Tuân tâm sự với nhau khá lâu. Mấy đứa con cháu bà Thảo cũng xúc động không kém: “Mẹ nên vào thăm bác ấy đi. Bác ấy chắc là mong mẹ lắm”. Loan nói với mẹ. Bà Thảo lặng lẽ gật đầu. Bà hỏi Tuân: “Bao giờ cháu về trong đó?”. “Dạ, ngày kia cô ạ. Cháu ra dự sinh nhật cô và xem trường để tuần tới nhập học, sau đó về lo nốt một số thủ tục nữa để tựu trường”. “Thế thì cô sẽ đi với cháu. Các con thấy thế nào?”. “Mẹ nên như thế. Không phải lo cho chúng con ở nhà đâu”. Đưa cây đàn lại cho Tuân, bà Thảo nói: “Đàn nữa đi cháu. Hôm tới, cô sẽ mang cây đàn này cho bố cháu để nghe bố cháu đàn lại cho cô nghe”.
Tuân ôm đàn mơ màng thả hồn theo nét nhạc. “Từng đôi chim bay đi”, tiếng đàn vút lên ríu rít như chim hót hòa với tiếng thánh thót của những giọt mưa thu nghe bồng bềnh huyền ảo. Bà Thảo chơi vơi nhớ về những ngày xa xưa và mơ tới phút giây gặp lại người yêu cũ. Quanh bà là các con, các cháu, chúng cũng như hứng từng giọt đàn của Tuân và thả hồn tưởng tượng về thuở sinh viên của mẹ, của bà.
“Gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù... sẽ tan”. Tiếng đàn dứt rồi mà dư âm của nó còn ngân vang mãi... Ngoài hiên, mưa vẫn tí tách rơi...
Gửi phản hồi
In bài viết