Mã số vùng trồng: “Chìa khóa” đưa nông sản ra thế giới

- Cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng có ý nghĩa quan trọng đối với các sản phẩm nông nghiệp. Việc này không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường các nước mà còn giúp các sản phẩm nông sản định hình thương hiệu.

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, cơ sở sản xuất để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Đồng thời bảo đảm nông sản, sản phẩm lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, cơ sở sản xuất, tránh tình trạng sản phẩm được sản xuất tại nơi khác trà trộn với sản phẩm vùng trồng đã được cấp mã số. Từ đó làm thay đổi tư duy sản xuất, nhận thức của người dân trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản.

Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại vùng chè thôn
Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương).

Gần đây, các nước trên thế giới đưa ra các yêu cầu khắt khe về các mặt hàng nông sản. Theo đó, muốn xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường các nước thì điều kiện quan trọng là các mặt hàng nông sản phải được sản xuất từ vùng trồng được cấp mã số. Nhận thấy tính cấp thiết của việc cấp mã số vùng trồng, thời gian qua, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh luôn đồng hành hỗ trợ, hướng dẫn người dân, HTX, doanh nghiệp đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói cho một số cây trồng, sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã cấp được 10 mã vùng trồng và 2 cơ sở đóng gói sản phẩm, trong đó có Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm được cấp 4 mã với tổng 43,6 ha chè; Công ty Chè Sông Lô được cấp 3 mã với tổng 53,4 ha chè; bưởi Soi Hà, xã Xuân Vân (Yên Sơn) được cấp mã với 10 ha; HTX Nông nghiệp Ánh Dương, xã Tân An (Chiêm Hóa) cấp mã 10 ha thanh long; Tổ hợp tác hương chè Vĩnh Tân, thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương) được cấp mã 10 ha chè. Hai cơ sở đóng gói được cấp mã là cơ sở đóng gói của Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm và HTX Sản xuất chè Vĩnh Tân.

Ông Lê Quang Truyền, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm cho biết, trên cơ sở yêu cầu ngày càng cao của thị trường các nước là đối tác của công ty, năm 2022, thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công ty đã xin cấp mã số vùng trồng cho một số diện tích chè của công ty...

Vụ xuân này xã Phúc Sơn (Lâm Bình) trồng 492 ha lạc, vượt kế hoạch 2 ha. Đồng chí Vi Văn Sự, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết, đa phần sản phẩm lạc của địa phương sau thu hoạch sẽ được bán sang thị trường Trung Quốc. Vài năm trở lại đây thị trường này đưa ra một số quy định về nhập khẩu nông sản, trong đó có việc truy xuất mã vùng trồng. Để sản phẩm lạc của địa phương được xuất sang thị trường Trung Quốc, vụ lạc xuân năm 2023 xã đang khẩn trương chuẩn bị hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng lạc với 10 ha tại 2 thôn Bản Lai và Bản Cậu. Hiện toàn bộ diện tích lạc đã gieo xong, một số diện tích đã nảy mầm. Huyện cũng đã mở 2 lớp tập huấn quy trình trồng, chăm sóc lạc theo tiêu chuẩn an toàn phục vụ cho xuất khẩu.

Bưởi Soi Hà, xã Xuân Vân (Yên Sơn) đã được cấp mã số vùng trồng.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, để được cấp mã vùng trồng thì người dân, HTX, doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định về diện tích canh tác tối thiểu phải là 10 ha. Cùng đó, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất và quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu. Có nhật ký canh tác ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng và áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP).

Đồng thời, phải đảm bảo các điều kiện như: Vùng trồng phải là vùng sản xuất tập trung, trồng duy nhất một loại cây trồng, không trồng xen các loại cây trồng khác; vùng trồng phải cách xa nguồn ô nhiễm, không có nhà dân hoặc chợ, không chăn thả gia súc, gia cầm bên trong vùng trồng...

Năm 2023, ngành nông nghiệp và PTNT tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng cho 20 ha lạc tại 2 xã Phúc Sơn và Minh Quang (Lâm Bình) phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới ngành tiếp tục đẩy nhanh việc cấp mã số vùng cho các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Cụ thể tiêu chí số 13 về “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn”, trong đó tiêu chí 13.6 về “vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực của xã được cấp mã vùng”.

Việc xây dựng mã số vùng trồng trong thời gian qua không những giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm, mà còn làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, HTX trong việc tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, nâng cao chất lượng. Nhờ đó, các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh từng bước đảm bảo về an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường trong và ngoài nước.               

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục