- Quà của công đoàn nhé Sám, tối đem đi mà tặng chị Hằng. Ôi kìa, hai hộp bánh trung thu nữa thì ăn vào đâu?
Sám xếp tập báo cáo vào giá đỡ, hóm hỉnh đáp:
- Em chả cao siêu nên chị Hằng theo chú Cuội đi chơi rồi, suốt ngày ôm cái máy tính nên trái tim khô khốc ước mơ. Hai hộp bánh đấy là của anh Long - Trưởng phòng. Anh không ăn đồ ngọt nên đem cho em đấy. Còn hộp cá chép ôm trăng kia là của công ty đối tác sáng nay kính biếu.
- Chú cứ làm cao thế thì ai với đến được. Nếu không ăn hết cũng chẳng có ai, hay là để chị giúp em đem ra cửa hàng, đổi lấy vài điếu thuốc lá, nhỉ?
Sám lắc đầu:
- Thôi, để tối nay, em lấy cớ đi chơi tý. Ai hỏi, chị cứ bảo em đi tìm chị Hằng.
Chị Hoa ngúng nguẩy đi ra cửa. Sám nhìn ba hộp bánh, bật cười. Thể nào sáng mai, các phòng lại đồn ầm lên rằng mình xách bánh đi tán gái đến khuya mới về. Tin đồn như làn khói thuốc lá, thoảng qua nhưng khiến người ta khó chịu. Sám đã quen với tiếng thầm thì ở chốn công sở đó.
Minh họa: Hồng Kiều
Đường khá vắng vẻ. Hình như người ta ngại ra đường khi dịch bệnh tiềm ẩn khắp nơi. Chị lao công lặng lẽ quét hoa sữa rụng. Mùi thơm nồng nàn một góc phố. Sám trông dáng người dong dỏng ấy thì nhớ đến mẹ. Mẹ lọc cọc chiếc xe đạp Phượng Hoàng chằng hai sọt tre đan mắt cáo xếp đầy những nải chuối lót lá khô đem đi bán tận chợ xa. Gần đến rằm, người ta mua mỗi người một nải về thắp hương hoặc bày mâm ngũ quả trông trăng. Tối về nhà, chiếc đèn ông sao năm cánh điểm dây kim tuyến óng ánh dưới đèn dầu cũng khiến ba anh em cười híp mí. Mẹ mở lá chuối khô, đem chiếc bánh nướng chia làm ba phần thật khéo. Ba chị em mời mẹ nhưng mẹ chẳng có phần nào, mẹ bảo: Bánh này là quà dành cho trẻ em ngoan. Sám dừng xe, tắt máy tiến lại gần chị lao công:
- Chị ơi, em được chia rất nhiều bánh Trung thu nên không ăn hết. Chị giúp em đem về làm quà cho các cháu nhé.
Chị lao công quệt mồ hôi, đứng lặng lại mấy giây, nhìn từ đầu đến chân Sám rồi vui vẻ:
- Chị cảm ơn em nhé. Các cháu sẽ mừng lắm. Hộp bánh đẹp thế chắc hết nhiều tiền chú nhỉ?
- Em cũng không biết ạ. Mà quà cho các cháu thì không nhắc chuyện tiền nong. Xe chị dựng chỗ nào, để em đem treo giúp ạ.
Chị lao công ngập ngừng.
- Chị... không có xe. Nhà trọ ở gần đây thôi. Em cứ để trên tấm tôn ấy.
Sám chào chị rồi đi. Ngang qua con phố dẫn vào bệnh viện huyện, anh tạt vào bốt bảo vệ gửi hộp bánh thứ hai cho y tá Duyên và nhắn tin: “Phiền em ra cổng nhận giúp món quà và đem cho bé Quý nhé! Đêm nay trực mà buồn ngủ thì anh hát cho nghe”. Quý mới mười hai tuổi, nhà tận trên Khau Lềm điều trị nội trú trong bệnh viện. Mẹ đến chăm nhưng không biết chữ. Hôm đi ra chợ mua đồ bị người xấu móc túi mất sạch tiền, tình cờ Sám đang uống cà phê bên đường ra tay giúp đỡ. Hỏi han thì hoàn cảnh khó khăn, đông con, không có ruộng, quanh năm đi làm thuê cuốc mướn. Trùng hợp là, cậu bé lại là bệnh nhân được Duyên điều trị. Khi ra xe, bác bảo vệ đùa với theo:
- Giờ có yêu cũng phải hoãn, chàng trai nhé. Tôi canh gác cô Duyên cho.
Qua con phố nhỏ, Sám rẽ xe xuống bờ sông Lô. Gió đem hơi nước thổi lên lành lạnh. Xa xa giữa mênh mông, có ánh đèn của người đánh cá trên mảng bè khi mờ khi tỏ trong màn sương huyền ảo. Nhà ông Mạnh kia rồi. Con chó sủa lên vài tiếng rồi nguây nguẩy đuôi chạy về quấn chân chủ. Ông Mạnh hướng cặp mắt mờ đục về phía cổng. Khi anh dừng xe, ông bỏ chiếc lạt xuống, lần ra chiếc chõng:
- Bác để đó, cháu pha chè.
- Tôi biết ngay là anh Sám mà. Anh thường đem may mắn cho tôi. Sáng nay, tôi mới bán được một xâu ống lươn, năm cái giỏ cá và hai tấm cót đấy.
- Bác đắt hàng thế. Vậy thì mai cháu qua chặt tre cho.
- Tre vẫn còn anh ạ. Vào đây vào đây. Nay có mẻ chè ngon. Ông bạn lính ở bên Thái Nguyên mới nhờ người gửi biếu một cân. Dậy hương lắm, uống nước hai vẫn đậm đà.
Sám khẽ đặt hộp bánh Trung thu xuống đầu chõng. Ông Mạnh vẫn biết, bảo:
- Anh định hối lộ tôi đấy hả? Hôm nào đến cũng quà cáp là tôi đóng cổng thả chó nhé. Rồi ông cười khà khà: - Mà cái con Mực này nó cũng ăn hối lộ của anh nhiều hay sao ấy, sủa được có ba tiếng đã ư ử làm nũng rồi. Thật đáng ăn củ riềng mà.
Con chó nằm gối đầu lên bàn chân ông Mạnh cúp cái tai, vẫy vẫy cái đuôi. Sám vừa hãm ấm chè vừa nói:
- Có gì đâu bác. Cháu có hộp bánh Trung thu, đem sang cho bác chia cho bọn trẻ.
- À, tốt quá. Mai tôi lại được tụi nó cho đùm ổi chín ngâm rượu rồi. Anh đúng là mang lại may mắn mà. Mấy hôm nay, tụi nó lùa trâu xuống bãi bồi rồi vào đây xin uống nước, nằm ra chõng đùa nhau đến lúc gà vào chuồng mới rủ nhau về. Nhưng, anh mở một cái đi.
Chúng ta trông trăng trước.
Sám vui vẻ làm theo. Bánh nướng thưởng thức cùng ngụm chè thơm ngay giữa sân nhà đợi trăng lên thì còn gì thú vị bằng. Ông Mạnh ôn lại những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, nhắc chuyện anh con trai cả lên biên giới đã nửa năm nay chưa về thăm nhà, người vượt biên trái phép rất nhiều. Mỗi người là mỗi số phận, khi đi mắc núi khi về mắc sông. Cô gái út làm bác sỹ cùng bệnh viện với Duyên thì xung phong vào các tỉnh phía Nam chống dịch. Vợ ông đã mất. Chiến tranh đã lấy đi một phần thân thể của ông. Ngoài trợ cấp thương bệnh binh hàng tháng, ông miệt mài với nghề đan lát cũng có thêm thu nhập đều đặn. Thỉnh thoảng, Sám còn thấy ông say sưa hát then với cây đàn tính, kể về nguồn gốc của hạt gạo, mặt trời, mặt trăng. Ông bảo, hồn cốt của người Tày mình ở đó. Bên ông còn có chiếc đài nhỏ để nghe tin tức về dịch Covid-19. Sám ngồi nghe ông trải lòng đến khi những đám mây bay hết về phía núi. Lá cây loang loáng ánh bạc. Khi anh ngẩng đầu lên, nền trời trong cao vút, gió se se, một mâm trăng tròn đầy.
Gửi phản hồi
In bài viết