Nhìn lại lịch sử nước ta thời phong kiến, triều đại nào biết thực thi chính sách an dân, “Dân là gốc” thì quy tụ được lòng dân, đất nước hưng thịnh, nhân dân được hưởng thái bình. Nếu để ngược lại, thì đất nước sẽ rơi vào loạn lạc, bị các thế lực ngoại bang xâm lăng, chiếm đóng. Nguyễn Trãi đã khái quát cô đọng ngọn nguồn của triết lý thắng lợi là: “Việc nhân nghĩa, cốt ở yên dân”, “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Tiếp thu, kế thừa, phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” cũng như bài học “Dân là gốc” của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết “Cách mạng là việc chung của cả dân chúng”, “nước lấy dân làm gốc”, “có dân là có tất cả”… Người nhắc nhở “Muôn người như một. Quân tốt dân tốt, muôn sự đều nên. Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định coi “Dân là gốc” là cơ sở cho việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đại hội IX của Đảng đã khẳng định: Đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn và luôn luôn sáng tạo. Đại hội XII chỉ rõ, gắn bó với nhân dân, dựa vào nhân dân xây dựng Đảng là nguồn gốc, sức mạnh, quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật. Hình thức góp ý với Đảng và giám sát cán bộ, đảng viên ngày càng được quan tâm.
Các cuộc lấy ý kiến nhân dân vào Văn kiện Đại hội Đảng các cấp đã phát huy trí tuệ, tâm huyết của nhân dân để xây dựng, hoàn thiện các văn kiện của Đảng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phục vụ tốt hơn cuộc sống của người dân. Kết quả thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã có tác dụng ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tạo đồng thuận trong xã hội, lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”. Đây không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để khơi dậy sức dân đóng góp cho quá trình phát triển. Là nền tảng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Gửi phản hồi
In bài viết