Một trong những giải pháp được huyện chú trọng là tăng cường tuyên truyền, định hướng cho người dân lựa chọn nghề, việc làm phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Các cơ quan chức năng của huyện tạo điều kiện để người lao động tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế; đẩy mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa; quan tâm phát triển những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các nghề truyền thống của địa phương như đan cót, mây tre đan, làm bánh gai...
Công nhân làm việc tại xưởng gia công phong bì Công ty cổ phần Thương mại, sản xuất, xuất khẩu Phúc Lâm, Cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa).
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện đẩy mạnh, trong đó, đặc biệt quan tâm đến đối tượng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo nghề ở các xã, thôn vùng cao. Ông Hoàng Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa cho biết, căn cứ vào nhu cầu thực tế của địa phương, trung tâm đã phối hợp mở được 11 lớp đào tạo nghề như trồng cây ăn quả có múi; chăn nuôi gia súc, gia cầm; kỹ thuật sử dụng máy nông nghiệp; cơ khí; mây, tre đan, nề cho 385 lao động nông thôn. Sau khi kết thúc khóa học, các học viên đã phát huy kiến thức vận dụng hiệu quả vào việc làm.
Cùng với đó, năm 2020, trung tâm đã mở được 6 lớp với gần 216 học viên theo học các nghề như kỹ thuật điêu khắc gỗ, chế biến món ăn, hàn, kinh doanh dịch vụ thương mại. Để học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, trung tâm đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức giới thiệu tuyển dụng lao động, giải quyết việc làm cho 80% lao động được đào tạo.
Bà Hà Thị Cam, thôn Bản Ba, xã Tri Phú cho biết, trước đây gia đình bà chỉ chăn nuôi gia cầm theo hướng tự phát để phục vụ nhu cầu của gia đình. Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tổ chức, bà đã mạnh dạn đầu tư nuôi 100 con lợn mỗi năm. Do áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật, từ chọn con giống, chăm sóc và phòng bệnh trong chăn nuôi, đến nay mỗi năm gia đình xuất bán hơn 9 tấn lợn thịt thu lãi hàng trăm triệu đồng. Từ chăn nuôi, bà nuôi được con cái học hành phương trưởng, hiện làm việc ở thành phố Tuyên Quang, Hà Nội. Xuân nay, bà thấy vui hơn khi xã có chợ mới, các sản phẩm nông sản làm ra tiêu thụ thuận lợi hơn nhiều...
Huyện kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời, tạo điều kiện về mặt bằng, hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp để phát triển sản xuất, trong đó huyện đã mời gọi dự án đầu tư từ Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang xây dựng nhà máy chế biến gỗ với tổng diện tích trên 29.000 m2; nhà máy sản xuất bê tông của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng… Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 100 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang hoạt động. Các doanh nghiệp thường xuyên tạo việc làm cho từ 3.000 - 3.500 lao động địa phương.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 16,03% năm 2019, xuống còn 12,29% năm 2020. Thời gian tới, huyện Chiêm Hóa tiếp tục đánh giá thị trường lao động để định hướng phù hợp cho người lao động; chuyển hướng công tác đào tạo nghề sát hơn với nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động; nâng cao trình độ, tay nghề của người lao động, giúp người lao động có thu nhập cao hơn, xây dựng cuộc sống no ấm.
Gửi phản hồi
In bài viết