Tuyên Quang “vùng đất sáng” như chính tên gọi của nó có từ thời xa xưa. Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, các di tích lịch sử, văn hóa phong phú và giàu bản sắc dân tộc đã xác lập thế mạnh của tỉnh trong vùng Việt Bắc. Ngày nay, tiềm năng to lớn này đang được Tuyên Quang phát huy, xây dựng thành những sản phẩm du lịch độc đáo, có sức lan tỏa rộng rãi trong và ngoài nước.
Có lần sang nước Nhật Bản công tác, tôi hỏi chị hướng dẫn viên du lịch rằng đất nước mặt trời mọc này có bao nhiêu dân tộc. Chị tủm tỉm cười khẳng định chỉ có vẻn vẹn 3 dân tộc. Người Nhật khá đồng nhất về sắc tộc và văn hóa giữa một biên giới là quốc đảo. Ngược lại với Nhật Bản, riêng tỉnh miền núi phía Bắc Tuyên Quang của Việt Nam được xếp vào tốp tỉnh nhiều dân tộc thiểu số với 22 dân tộc. Sự quần cư của dân tộc trên địa bàn tỉnh có yếu tố lịch sử tộc người, văn hóa cư trú và vị trí địa lý. Chính sự đan xen, giao thoa này mà Tuyên Quang được các nhà nghiên cứu đánh giá là vùng đất đa văn hóa. Theo Ban Dân tộc tỉnh, toàn tỉnh có tới 56% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ văn hóa đa dạng giúp Tuyên Quang có sức hấp dẫn lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là du lịch.
Các dân tộc Dao đỏ, Tày và Cao Lan của Tuyên Quang.
Rời sông Lô, núi Dùm của thành phố Tuyên Quang đi các huyện, trên những cung đường nhựa quanh co uốn lượn, đâu đâu du khách cũng có thể bắt gặp những mái nhà sàn lợp lá cọ, ngói âm dương truyền thống quen thuộc của các dân tộc Tày, Dao, Cao Lan, Nùng. Đối với các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang, họ có phong tục sống quần cư thành từng bản làng đông vui dưới các thung lũng, chân đồi, sườn núi. Cầm cây đàn Tính trên tay chơi bàn Then mới “Bản em làm du lịch”, Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn, thôn Tân Hợp, xã Tân An (Chiêm Hóa) cho biết, thời phong kiến huyện Chiêm Hóa còn có tên là châu Đại Man, tức huyện có nhiều dân tộc thiểu số. Ông khẳng định người Tày là dân tộc thiểu số đông nhất tỉnh, chủ nhân của vùng đất này, nên văn hóa của tỉnh vẫn bao trùm âm hưởng của người Tày là tiếng đàn Tính, làn điệu Then “ới la”…
Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn, thôn Tân Hợp, xã Tân An (Chiêm Hóa) giới thiệu làn điệu Then cổ.
Ở Tuyên Quang, người Dao là dân tộc thiểu số đông thứ hai, phân bố ở khắp các huyện, thành phố. Cái đặc sắc của người Dao Tuyên Quang chính là tỉnh quy tụ đầy đủ 9 ngành Dao: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Quần Chẹt, Dao Áo Dài, Dao Thanh Y, Dao Quần Trắng, Dao Coóc Ngáng, Dao Coóc Mùn, Dao Ô Gang. Năm 2017, tỉnh đăng cai thành công Ngày hội Văn hóa người Dao toàn quốc lần thứ nhất với 12 tỉnh, thành phố tham gia gắn với Lễ hội Thành Tuyên. Nghi lễ cấp sắc, làn điệu páo dung, múa màng, nghệ thuật thêu của người Dao Tuyên Quang nhờ đó được quảng bá có hiệu quả đến công chúng.
Thiếu nữ Dao Tiền ở xã Kim Bình (Chiêm Hóa)
Ngoài dân tộc Tày, Dao, tỉnh có dân tộc Cao Lan đông thứ ba và đông nhất cả nước với hơn 70 nghìn người. Người Cao Lan ở Tuyên Quang có nhạc cụ tiêu biểu là chiếc trống sành, làn điệu sình ca mượt mà, đằm thắm. Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn, dân tộc Cao Lan, thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (Sơn Dương), người có thâm niên chơi loại nhạc cụ này bật mí, nhiều người nhầm tưởng đánh trống sành chỉ để hát sình ca. Tuy nhiên, trống sành còn là nhạc cụ quan trọng để thực hiện các bài cúng thần linh, làm lễ cầu mưa, cầu mùa, cầu may, cầu mát. Ngoài ra, trống sành còn được đánh đệm cho các điệu múa của dân tộc Cao Lan trong ngày hội với các tiết mục tiêu biểu như: “Múa chim gâu”, “Múa xúc tép”, “Múa tam nguyên”, “Múa khai đao phát lộ”…
Người Cao Lan ở xã Kim Phú (Tp Tuyên Quang).
Cùng chung nhau dãy núi Tam Đảo hùng vĩ với tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang có đông đồng bào Sán Dìu ở các xã Sơn Nam, Ninh Lai, Thiện Kế (Sơn Dương). Các dân tộc khác như Tày, Dao, Cao Lan, Mông thì ở huyện nào cũng có, nhưng dân tộc Sán Dìu chỉ sống tập trung dưới chân dãy núi Tam Đảo. Chính vì những đặc điểm này cho thấy người Sán Dìu có tính cộng đồng làng bản, dòng họ khá cao. Họ ít khi sống biệt lập hay xen kẽ với các dân tộc khác, mà sống thành cộng đồng tập trung rộng lớn. Người Sán Dìu xứ Tuyên hay làm nhà lợp ngói theo lối 5 gian có chân hàng cột trước, văn hóa ăn cháo ỉm và thể hiện làn điệu soọng cô huyền thoại.
Từ xưa đến nay hồn cốt tạo nên bản sắc văn hóa xứ Tuyên chính là tổng hợp từ “vườn hoa đa sắc màu của mỗi dân tộc”. Đây chính là thế mạnh “nổi trội” của tỉnh.
Người sán Dìu xã Ninh Lai (Sơn Dương).
Trong ba chân kiềng để phát triển du lịch, Tuyên Quang có cả ba yếu tố cần và đủ. Thứ nhất là du lịch thiên nhiên, tiêu biểu là Danh thắng Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, Khu du lịch Suối khoáng nóng Mỹ Lâm với nguồn nước tốt nhất Đông Nam Á. Thứ hai, tỉnh được ví như “bảo tàng cách mạng” của cả nước với hơn 500 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có hai Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Kim Bình và hơn 200 di tích cấp quốc gia. Tuyên Quang được mệnh danh là “trái tim” của chiến khu Việt Bắc, “Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến”, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đóng trụ sở làm việc, lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng 8-1945, tiếp tục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đầy gian khổ và anh dũng. Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, đình Hồng Thái, đình Thanh La, Sân bay Lũng Cò. Thứ ba tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số với bề dày lịch sử, bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng, độc đáo.
Đình Tân Trào (Sơn Dương).
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thì địa phương từng là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Nó được chứng minh qua các di chỉ khảo cổ học cùng các hiện vật được tìm thấy như các bộ hài cốt của người Việt cổ cách đây từ 12.000 - 8.000 năm tại hang Phia Vài (Khuôn Hà, Lâm Bình), Phia Muôn (Sơn Phú, Na Hang) và các lưỡi rìu, dao, mũi tên, giáo, trống bằng đá, đồng.
Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Từ những tiềm năng to lớn đó, ngay từ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định “Phát huy cảnh quan thiên nhiên, giá trị các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa truyền thống, các lễ hội” để phát triển du lịch thành ba lĩnh vực đột phá của tỉnh. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục nhấn mạnh “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”. Dựa trên những chủ trương, quan điểm lớn đó, mỗi địa phương muốn phát triển du lịch cần phải tìm ra cho mình một sản phẩm mang tính đặc trưng, nổi bật để tạo nên thương hiệu riêng.
Đồng chí Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang khẳng định: “Giai đoạn 2021-2025, Tuyên Quang xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng. Trên cơ sở đó tỉnh xây dựng các đề án, quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch. Tập trung xây dựng các sản phẩm đặc trưng nhằm định vị thương hiệu du lịch Tuyên Quang trên bản đồ du lịch quốc gia như Khu du lịch Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình. Đặc biệt, Lễ hội Thành Tuyên sẽ là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của tỉnh”.
Lễ hội Thành Tuyên.
Du lịch Tuyên Quang đang được ví như “cô gái đẹp ngủ trong rừng” hay “vẻ đẹp tiềm ẩn”. Để khơi dậy tiềm năng to lớn đó, Tuyên Quang gửi gắm cả vào thông điệp du lịch của tỉnh “Tuyên Quang - nơi vẻ đẹp hội tụ”. Chị Đặng Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Du lịch Thành Tuyên cho rằng, du lịch xứ Tuyên được ví như “chiếc máy bay đang cất cánh và bay đúng hướng”. Nếu phát triển du lịch mà không quan tâm tới cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc thì khó bền vững. Giờ dẫn khách về thăm Tân Trào, ai cũng bồi hồi xúc động, hình ảnh mái nhà sàn đơn sơ, giản dị lấp ló dưới rừng cây nguyên sinh, bao kỷ niệm của chiến khu xưa như ùa về. Tuyên Quang thực sự đã làm tốt công tác bảo tồn, giờ là lúc phát huy các giá trị đó, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Du khách nước ngoài ấn tượng trước bản sắc văn hóa dân tộc Tuyên Quang.
Gửi phản hồi
In bài viết