Bảo tàng thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan ngày đầu mở cửa.
Tại buổi lễ, Đại tá Phạm Văn Phi, Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho biết, Bảo tàng được thiết kế từ nguyên mẫu ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ ký ức của các thành viên gia đình Đại tướng giai đoạn cả gia đình sinh sống tại đây từ năm 1958 đến năm 1986.
Tại ngôi nhà này, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã vinh dự nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Đặc biệt, tại đây đã diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị trong những ngày tháng 8-1964 để bàn về chiến dịch nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bảo tàng hứa hẹn là điểm đến giáo dục truyền thống lịch sử thiết thực và ý nghĩa.
Bảo tàng gồm 2 không gian tái tạo, gồm lán làm việc của Đại tướng ở Trung ương Cục miền Nam và phòng làm việc của Đại tướng trước đây ở căn nhà 34 Lý Nam Đế.
Về kết cấu nội dung, trưng bày của Bảo tàng gồm 8 chủ đề chính: Quê hương - Cách mạng miền Trung; Việt Bắc; Xây dựng Quân đội; Xây dựng hòa bình ở miền Bắc; Cách mạng miền Nam; Ngày 6-7; Tấm lòng những người ở lại; Gia đình - Hành trình tiếp nối.
Ngoài ra, không gian bảo tàng còn có các tiểu đề như Bình Trị Thiên khói lửa, Nông nghiệp, Đối ngoại, Ông tướng Du kích, Văn hóa văn nghệ, Thể thao, Vì hòa bình mà đánh...
Hệ thống trưng bày giới thiệu 300 ảnh, 220 hiện vật, hơn 150 tài liệu hiện vật giấy, 23 pho tượng đồng gắn với những dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Cùng với đó là trên 100 đầu sách do Đại tướng viết và các tác giả viết về Đại tướng, 6 phim tài liệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của ông được giới thiệu tại Thư viện tầng hai của Bảo tàng.
Được biết, Bảo tàng sẽ mở cửa thử nghiệm từ nay đến tháng 12-2023 để thu thập ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước và khách tham quan, từ đó tiếp tục hoàn thiện nội dung trưng bày trước khi tổ chức khánh thành vào ngày 1-1-2024, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng.
Tại sự kiện, đã diễn ra nghi thức ký kết hợp tác giáo dục giữa Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Phòng Giáo dục quận Bắc Từ Liêm, Quân chủng Phòng không - Không quân, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Gửi phản hồi
In bài viết