Những tác phẩm ấy được làm trên nền những viên gạch, viên ngói hay những chiếc cửa gỗ mà chủ nhân của không gian văn hóa thu gom được. Đề tài sáng tác được khuyến khích dựa trên văn hóa Đường Lâm, văn hóa xứ Đoài. Bằng cách làm ấy, những giá trị của làng cổ Đường Lâm, của xứ Đoài được lan tỏa rộng rãi.
Đoài Creative trở thành không gian khơi nguồn sáng tạo cho các bạn nhỏ.
Một địa chỉ văn hóa mới
Đầu làng Mông Phụ hôm ấy trở thành không gian nghệ thuật khi triển lãm "Lăng kính tuổi thơ" được Đoài Creative tổ chức. Thay vì chỉ triển lãm trong nhà, nhiều tác phẩm được đem ra hiên nhà nhìn thẳng ra trục đường chính của làng, khiến mọi người đi qua đều có thể thưởng thức. Các tác phẩm được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau, trong đó, hàng chục bức được vẽ trên những chiếc diều treo cao như ước mơ của các em nhỏ được bay lên. Một không gian nghệ thuật thú vị, và hơn hết là đem lại những nụ cười cho trẻ thơ.
Cách đây hơn một tháng, kiến trúc sư Khuất Văn Thắng đã phát động cuộc thi "Sáng tạo không rào cản" dành riêng cho các em thiếu nhi khi đến tham gia các hoạt động trải nghiệm tại Đoài Creative, đồng thời vận động trẻ em trên toàn quốc tham gia triển lãm "Lăng kính tuổi thơ" tại Đoài Creative. Và chính anh cũng phải bất ngờ trước khả năng sáng tạo của các bạn nhỏ. Triển lãm "Lăng kính tuổi thơ" chỉ là một trong nhiều hoạt động được tổ chức tại Đoài Creative, và nơi đây hứa hẹn còn nhiều hoạt động sáng tạo nghệ thuật như thế nữa.
Mấy năm gần đây, Đường Lâm có một địa điểm tham quan, check-in thú vị, đó là NoK Studio (No là viết tắt của Number, K là chữ cái đầu của chữ Khuất, họ của kiến trúc sư Khuất Văn Thắng) nằm ngay ở đầu làng Mông Phụ. Kiến trúc sư Khuất Văn Thắng đã cải tạo một ngôi nhà cũ thành không gian ấn tượng. Chiếc cổng được xây cuốn vòm. Khuất Văn Thắng bảo, xưa kia giếng làng là điều thân thuộc với mỗi người, nhưng nay xa lạ. Những “tang giếng” (có nơi gọi là lòng giếng) xưa xây bằng gạch cuốn. Anh đã “lôi” một góc cái “tang giếng” ấy lên làm cổng. Phía sau cánh cổng ấy là một ngôi nhà hai tầng, tầng một đổ trần nhưng người ta sẽ không có cảm giác về bê tông bởi toàn bộ không gian trầm tĩnh với màu xanh của cây, màu nâu của ngói, của gạch mộc, màu thời gian của những cánh cửa, cây cột gỗ cũ... Nhưng với Khuất Văn Thắng, thế là chưa đủ. Anh muốn lan tỏa cái hay, cái đẹp của văn hóa làng Việt, văn hóa Đường Lâm theo một cách khác. Đó là lý do Đoài Creative ra đời.
Đoài Creative chỉ cách NoK Studio một quãng ngắn. Khuất Văn Thắng đã “ngắm” ngôi nhà mái ngói cũ này từ khá lâu. Chiều ngang của ngôi nhà bảy gian ngói chạy theo mặt đường làng. Đó là yếu tố thuận lợi để anh kiến tạo một không gian văn hóa ấn tượng. Sau khi thuê lại của chủ nhân cũ, ngôi nhà được anh cải tạo thành quay lưng ra đường, quay mặt vào sân, nhưng cái lưng nhà được anh thiết kế một loạt cửa sổ, cánh lật như cửa bức bàn. Cách thiết kế này khiến ngôi nhà trở thành không gian mở cả hai chiều, phần hướng ra đường và phần nhìn ra sân nhà. Ngôi nhà cũ được lợp lại ngói, thiết kế một số công năng cho hoạt động văn hóa.
Khuất Văn Thắng khai thác những vật liệu cũ còn tận dụng được, sử dụng vật liệu thân thiện, gần gũi của Đường Lâm và sắp đặt, tổ chức lại cho đúng công năng hoạt động. Bức tường gạch xây trát vữa cũ được đắp lại bằng đất trộn rơm theo phương thức truyền thống của nhà nông thôn vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Việc có phụ gia khiến vách bùn hạn chế được những bất cập trong những ngôi nhà vách xưa. Điều đó khiến không gian Đoài Creative khó có thể... quê hơn.
Một số tác phẩm được hình thành trên nền viên ngói cũ ở Đường Lâm.
Không gian sáng tạo đậm “chất quê”
Song, điều quan trọng hơn cả là Đoài Creative “có gì”? Từ lâu, Khuất Văn Thắng đã duy trì một lớp học mỹ thuật dành cho trẻ em trong làng ở NoK Studio. Bây giờ Đoài Creative là không gian chính của lớp mỹ thuật ấy. Từ lâu, vẻ đẹp cổ kính của Đường Lâm đã khơi nguồn sáng tạo nghệ thuật cho cộng đồng. Đến thăm làng cổ, cảnh quan, không gian, văn hóa tạo cho người ta cảm hứng nghệ thuật và Đoài Creative tạo môi trường thể hiện khả năng sáng tạo đó, nhất là với những sinh viên mỹ thuật, khách du lịch quốc tế.
Đến với Đoài Creative, người ta có nhiều lựa chọn sáng tác mỹ thuật. Song, điều độc đáo nhất là không gian này khuyến khích mọi người sáng tác dựa trên vật liệu từ chính ngôi làng cổ. Kiến trúc sư Khuất Văn Thắng đã thu gom những viên ngói cũ khi người ta sửa nhà và bỏ đi, cùng với đó là những viên gạch cũ, những cánh cửa cũ. Người ta có thể vẽ, hay nặn đất rồi gắn trên đó. Khi tác phẩm hoàn thành, khách có thể mang tác phẩm của mình đi. Lựa chọn độc đáo này khiến khách du lịch thích thú, vì họ đem theo được “chất quê” của nông thôn Việt bên mình.
Ngoài những hoạt động thường ngày như thế, Đoài Creative còn nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo khác. Theo Trưởng ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo, không gian trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo Đoài Creative là điểm giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống làng cổ đến du khách, để khách trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn. Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm luôn đồng hành với các hoạt động trên và định hướng cho người dân phát triển các mô hình sáng tạo, giúp giới thiệu, đưa khách đến địa phương tham quan, trải nghiệm.
Một trong những yếu tố khiến Hà Nội “ghi điểm” khi ứng cử Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là việc có nhiều không gian sáng tạo. Tuy nhiên, hầu hết các không gian sáng tạo đều nằm ở khu vực nội đô. Đoài Creative đem lại một nét mới mẻ khi gắn bó với văn hóa làng. Đến thời điểm này, dù mới qua hơn hai tháng hoạt động, Đoài Creative đã chứng minh một hướng đi mới trong lan tỏa nét đẹp văn hóa làng cổ thông qua không gian sáng tạo. Đó cũng là gợi ý hay để Hà Nội có thêm những không gian sáng tạo khác ở những làng nghề, làng cổ.
Gửi phản hồi
In bài viết