Biểu diễn hòa nhạc trong không gian tổ hợp Complex 01 (Tây Sơn, Hà Nội). (Ảnh KHIẾU MINH)
Cách đây nhiều năm, khu vui chơi Zone 9 nằm tại khu nhà xưởng cũ của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 là tụ điểm thu hút giới trẻ Thủ đô.
Sau khi xí nghiệp chuyển khỏi nội thành, một số nghệ sĩ, kiến trúc sư, cá nhân đến thuê lại, tái sinh những dãy nhà xuống cấp, khu vực bị bỏ hoang rộng gần 11.000m2. Tổ hợp cũ kỹ, xưa vắng, hoài cổ đã trở thành điểm đến của giới trẻ. Họ cùng nhau chia sẻ không gian và tổ chức các hoạt động sáng tạo, biến nơi này thành tổ hợp đa màu sắc, đa chức năng, kết nối cộng đồng với các khu vui chơi, mua sắm, triển lãm, tổ chức sự kiện âm nhạc, studio ảnh nghệ thuật, cửa hàng thời trang...
Thời điểm đó, Đại sứ quán Đức chọn Zone 9 là nơi tổ chức một số sự kiện nghệ thuật như đêm trình diễn ánh sáng và nghệ thuật đường phố Berlin. Triển lãm thời bao cấp cũng diễn ra tại đây, thu hút đông đảo công chúng. Sau hơn 5 tháng hoạt động, Zone 9 phải đóng cửa vì liên quan vụ hỏa hoạn làm sáu người chết.
Khoảng chục năm trở lại đây, hàng loạt tổ hợp vui chơi, giải trí trong không gian đa chức năng hình thành, thu hút đông đảo thanh thiếu niên, trong đó phải kể đến tổ hợp Complex 01, 282 Workshop...
Có lẽ người dân Hà Nội chưa từng nghĩ sẽ ngồi nghe hòa nhạc trong không gian của nhà máy cũ, nhưng gần đây, dàn hợp xướng đa dạng đã mang âm nhạc đến với cộng đồng khi biểu diễn buổi hòa nhạc “Vì một Hà Nội đáng sống” tại tổ hợp Complex 01 (phố Tây Sơn), địa điểm từng là nhà máy in Công Đoàn vào những năm 60 của thế kỷ trước.
Mô hình quần thể này đang là đại diện những sân chơi dành cho giới trẻ, được chuyển đổi từ các nhà máy cũ, xưởng sản xuất đã dừng hoạt động. Hình hài các nhà máy, công xưởng cũ vẫn được lưu giữ, nhưng khoác tấm áo mới, hồi sinh mạnh mẽ với hơi thở đương đại và tràn đầy năng lượng, sáng tạo của thế hệ trẻ.
Có lẽ người dân Hà Nội chưa từng nghĩ sẽ ngồi nghe hòa nhạc trong không gian của nhà máy cũ, nhưng gần đây, dàn hợp xướng đa dạng đã mang âm nhạc đến với cộng đồng khi biểu diễn buổi hòa nhạc “Vì một Hà Nội đáng sống” tại tổ hợp Complex 01 (phố Tây Sơn), địa điểm từng là nhà máy in Công Đoàn vào những năm 60 của thế kỷ trước.
Sự kiện văn hóa, nghệ thuật cộng đồng ý nghĩa đã mang đến sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả, nơi người khuyết tật, người bán hàng rong cũng có thể thưởng thức âm nhạc.
Hoạt động này là một trong những mục tiêu của Complex 01, kết nối cộng đồng thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đa dạng.
Ba tầng nhà trên diện tích 4.000m2 được tái sinh sau những cân nhắc về thực trạng xập xệ, hư hỏng, bong tróc. Nhóm kiến trúc sư đã xử lý, cải tạo không gian xuống cấp, bảo đảm sự an toàn cũng như phòng, chống cháy nổ, xây dựng Complex 01 thành không gian sống động, đa màu sắc với kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Bắt đầu hoạt động từ năm 2019, trải qua hơn hai năm khó khăn do đại dịch Covid-19, nhóm kiến trúc sư đã vận hành tổ hợp Complex 01, tạo ra nhiều giá trị tuy nhỏ cho cộng đồng, nhưng được ghi nhận, sử dụng.
Tổ hợp đa chức năng nằm hài hòa trong không gian giữa cũ và mới, quy tụ hơn 30 thương hiệu về giáo dục, nghệ thuật, thương mại, dịch vụ trở thành địa chỉ mua sắm, cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, phụ kiện, đồ làm thủ công, tổ chức sự kiện, âm nhạc. Không những thế, Complex 01 trở thành không gian diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo, triển lãm, hội chợ, tọa đàm.
Ông Nguyễn Bùi Vũ, đồng sáng lập Complex 01 cho biết: Tổ hợp Complex 01 nằm trong không gian tương đối lớn và có ưu thế tái sử dụng để giảm mức đầu tư mới. Chúng tôi xây dựng Complex 01 là điểm đến năng động, nơi kết nối những nhân tố phát triển cộng đồng. Không chỉ trở thành điểm đến văn hóa, Complex 01 là nơi chia sẻ cơ hội về mặt bằng và không gian cho các bạn trẻ khởi nghiệp, cùng phát triển theo mô hình bền vững, tạo cơ hội cho nhiều nhóm liên kết đưa ra ý tưởng, tạo ra lợi nhuận từ những ý tưởng sáng tạo, hình thành nên một trung tâm văn hóa, nghệ thuật mang đến giá trị cho cộng đồng.
Xuất phát từ tình yêu với Hà Nội, kiến trúc sư Huy Phạm, sáng lập 282 Workshop (ngõ 156, phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên) lựa chọn cải tạo nhà máy sản xuất mũ cối thành không gian dành cho hoạt động nghệ thuật.
Với sắt, thép, gỗ tái sử dụng, nhóm kiến trúc sư đã biến diện tích 3.200m2 thành tổ hợp không gian, nơi diễn ra các hoạt động triển lãm nghệ thuật, tổ chức hội thảo, sự kiện, học tập, không gian vui chơi, sáng tạo, trải nghiệm...
Nhà máy này từng là nơi sinh ra khói, thì nay trở thành nơi sản xuất oxy với nhiều mảng xanh của cây cối. Cân bằng giữa tính kinh tế-bảo tồn giá trị văn hóa-giảm tác động tới môi trường, 282 Workshop đang vận hành, khai thác hiệu quả.
Sự xuất hiện nhỏ lẻ các tổ hợp vui chơi, không gian sáng tạo, nghệ thuật là tín hiệu về nhu cầu cần có thêm những không gian công cộng trong sự phát triển nội tại của đô thị.
Thực tế, trong quá trình đô thị hóa, phát triển hạ tầng, Hà Nội ngày càng thiếu không gian công cộng, khu vui chơi, không gian kết nối, tương tác cộng đồng. Chủ trương Hà Nội di dời chín công ty, nhà máy cũ ra khỏi nội đô đang thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư, chính quyền thành phố, kiến trúc sư và giới nghệ sĩ.
Tuy công tác quy hoạch, xây dựng đặt ra bài toán cân đối giữa kinh tế, bảo tồn và tái phát triển, các giải pháp cần quan tâm là tái thiết bền vững cho những công trình bên trong thành phố sáng tạo là Hà Nội.
Thực tế, trong quá trình đô thị hóa, phát triển hạ tầng, Hà Nội ngày càng thiếu không gian công cộng, khu vui chơi, không gian kết nối, tương tác cộng đồng. Chủ trương Hà Nội di dời chín công ty, nhà máy cũ ra khỏi nội đô đang thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư, chính quyền thành phố, kiến trúc sư và giới nghệ sĩ.
Nếu những không gian công nghiệp cũ này được chuyển đổi mục đích sử dụng, bảo đảm an toàn để hình thành các trung tâm nghệ thuật sáng tạo, thành phố sẽ bổ sung các không gian công cộng, trung tâm nghệ thuật, sáng tạo vốn đang rất ít trong khu vực nội đô.
Gửi phản hồi
In bài viết