Làm cho cuộc sống văn minh hơn
Với lợi thế là một thành phố có bề dày văn hóa, lịch sử cùng các công trình kiến trúc và không gian cảnh quan sẵn có, Hà Nội có nhiều cơ hội để triển khai các dự án nghệ thuật công cộng, đánh thức tiềm năng của thành phố cũng như khơi dậy sự tự hào của người dân Thủ đô. Chính vì thế mà khái niệm nghệ thuật công cộng không phải là xa lạ với người dân Hà Nội.
Từ cuối những năm 2000, sự ra đời của Dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng đã mang lại nhiều điều mới mẻ cho cư dân Thủ đô khi biến gần 4km tường đê ven sông Hồng đang lâm vào tình trạng bong tróc, hôi hám, mất vệ sinh thành một đoạn đường đê lung linh sắc màu của gốm.
Trên khía cạnh nghệ thuật, Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đi vào hoạt động năm 2016 đã giúp người dân Thủ đô được thưởng thức nhiều hơn các hoạt động nghệ thuật công cộng, các buổi diễn kịch trước rạp Công nhân, các buổi diễn tuồng, hát quan họ, chầu văn... tại góc phố Mã Mây - Lương Ngọc Quyến...
Rồi nghệ thuật công cộng dưới góc độ âm nhạc như các buổi hòa nhạc của Luala concert, Lễ hội đếm ngược chào năm mới hằng năm hay Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa (Monsoon Music Festival)... đã giúp người Hà Nội tiếp cận gần hơn với những loại hình âm nhạc hiện đại, hàn lâm.
Đặc biệt những năm gần đây, sự xuất hiện của các dự án nghệ thuật công cộng ngày càng nhiều cùng với khả năng tương tác, biến người xem trở thành một thành tố trong tác phẩm sắp đặt đã tạo một sức hút lớn cho người dân Thủ đô.
Năm 2018, quận Hoàn Kiếm đã khởi động Dự án bích họa trên phố Phùng Hưng với sự hợp tác của Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Korean Foundation, UN Habitat và các nghệ sĩ tình nguyện. Ngay sau khi hoàn thành, dự án đã nhận được sự đón nhận nhiệt tình của người dân Thủ đô và du khách, với hàng triệu lượt khách ghé xem và tương tác trong suốt hơn 3 năm qua. Đáng kể hơn, dự án đã đem lại một sức sống hoàn toàn mới cho một đoạn phố nhếch nhác và ô nhiễm trước đó.
Cách đây 1 năm, Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân cũng đã nhận được những phản hồi tích cực của người dân Thủ đô. Từ một bãi rác tự phát tại khu vực gầm cầu Long Biên, Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân không đơn thuần mang đến cho người dân vẻ đẹp của nghệ thuật mà còn làm thay đổi cảnh quan và nếp sống của người dân nơi đây. Các tác phẩm thể hiện rõ khả năng tương tác với cộng đồng. Cũng vì đặt người dân ở vị trí trung tâm nên kể từ ngày Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân hoàn thành, bà con ở phường Phúc Tân không còn giữ thói quen đổ rác bừa bãi, thậm chí họ còn nhặt lốp xe làm bồn hoa, dùng chai nhựa để trang trí hàng rào và giữ sân chơi luôn sạch sẽ, an toàn.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ: “Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân thực sự đã biến một nơi ô nhiễm, vệ sinh môi trường kém trở thành một không gian nghệ thuật công cộng. Trước khi có dự án này, bãi Phúc Tân rất nhếch nhác và mất vệ sinh. Tôi đã từng chứng kiến các nghệ sĩ trước khi sáng tác phải dọn rác quanh chỗ mình đứng, rồi nhặt từng viên gạch cũ lát lên thành chỗ ngồi. Dần dà, không gian ấy trở nên sạch đẹp, người dân quanh đấy đã bảo ban nhau cùng giữ gìn cảnh quan, môi trường, không vứt rác bừa bãi. Những chiếu bạc nơi vệ đường cũng dần biến mất vì người dân nhận thấy hành động đó lạc lõng với không gian nghệ thuật xung quanh. Nghệ thuật đã có một sức mạnh thần kỳ như thế khi khiến những người dân thay đổi thói quen, hướng tới một lối sống tích cực và làm cho cuộc sống văn minh hơn”.
Dự án bích họa trên phố Phùng Hưng (ảnh trên) và Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (ảnh chụp thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát). Ảnh: Đặng Tú - Thế Sơn
Khó duy trì không gian nghệ thuật
Xuất phát từ mục tiêu mang lại những giá trị tốt đẹp hơn cho đời sống người dân, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, những dự án nghệ thuật công cộng này đã gặp không ít khó khăn. Khó khăn đầu tiên đến từ sự “đại trà hóa” nghệ thuật công cộng, khiến nó trở nên ngày càng dễ dãi, thiếu tính thẩm mỹ và làm lệch lạc ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.
Cụ thể, bên cạnh những bức bích họa đang tạo diện mạo mới, góp phần tô đẹp cảnh quan Thủ đô thì cũng tồn tại không ít bức bích họa xuất hiện tự phát, chưa được chú trọng về không gian, nội dung đề tài, thậm chí, nhiều không gian cộng đồng trở thành nơi vẽ tự do, vẽ theo phong trào của một số cá nhân hay nhóm bạn trẻ chưa đủ “tay nghề”, khiến những tác phẩm ấy trở thành một “thảm họa” nghệ thuật.
Bên cạnh đó, nghệ thuật công cộng khó có thể tìm được chỗ đứng, nhất là các công trình nghệ thuật nơi vườn hoa, quảng trường, trên đường phố bởi các góc phố, vỉa hè ở các đô thị lớn hiện nay đều bị tận dụng triệt để cho việc kinh doanh hoặc sinh hoạt. Hơn thế, ý thức người dân chưa cao đã khiến cho các không gian nghệ thuật công cộng ở một số nơi ngập rác, thiếu văn minh.
Đơn cử như Dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng từng khiến người dân nô nức thì giờ đây, ở nhiều đoạn xuất hiện cảnh vứt rác hoặc tùy tiện phóng uế. Chung số phận, cách đây ít lâu, khi được trưng bày ở khu vực Hồ Gươm, tác phẩm sắp đặt "Tháp" của nghệ sĩ điêu khắc Mai Thu Vân cũng bị một số người vô ý thức biến thành... nhà vệ sinh!
Bên cạnh đó, việc duy trì các không gian nghệ thuật cộng đồng cũng gặp không ít khó khăn bởi sự hạn chế trong công tác quản lý văn hóa, từ những áp lực về kinh tế hay việc quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập.
Dự án bích họa trên phố Phùng Hưng (ảnh trên) và Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (ảnh chụp thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát). Ảnh: Đặng Tú - Thế Sơn
“Kích hoạt” ý thức người dân
Tại Hội thảo Nghệ thuật công cộng kiến tạo điểm đến du lịch (tháng 11-2020), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã khẳng định: “Nghệ thuật công cộng càng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội đáng sống, hình thành trên nền tảng những công dân biết yêu cái đẹp, hướng đến tính thiện và biết chia sẻ yêu thương...”.
Đặc biệt, để nghệ thuật công cộng tồn tại bền vững trong đời sống của người dân, theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, các nghệ sĩ khi bắt đầu ý tưởng sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật công cộng rất cần đặt câu hỏi: Họ đang sáng tác cho ai? Nếu nhân danh sáng tạo nghệ thuật cho công chúng, họ phải đối thoại với cộng đồng chứ đừng nhân danh sáng tạo cho cộng đồng nhưng rồi chính cộng đồng lại tỏ ra xa lạ với tác phẩm ấy. Công chúng rất công bằng. Chỉ khi thật sự yêu thích không gian nghệ thuật dành cho mình thì người dân mới có ý thức về việc gắn kết, bảo vệ và phát triển không gian đó. Nếu không xuất phát từ nhu cầu bức thiết từ cuộc sống của họ, họ sẽ quay lưng.
Từ những nhận định trên, có thể thấy vai trò quan trọng của nghệ thuật công cộng trong việc tái tạo đời sống, là tiếng vọng thực sự từ đời sống. Chính vì thế, thành phố Hà Nội cần một lộ trình để phát triển nghệ thuật công cộng lên một tầm vóc mới, góp phần xây dựng Thủ đô thành một đô thị độc đáo, rõ bản sắc. Điều này đòi hỏi sự kết nối giữa chính quyền, người nghệ sĩ và người dân phải thật sự chặt chẽ, trong đó chính quyền giữ vai trò xây dựng cơ chế, quyết định những không gian thích hợp; nghệ sĩ bảo đảm lựa chọn tác phẩm đẹp, phù hợp không gian, nhu cầu thẩm mỹ, còn người dân là những người hưởng thụ và có ý thức giữ gìn không gian chung.
Gửi phản hồi
In bài viết