Mô hình “Mỗi tuần một điều luật” được Huyện đoàn Chiêm Hóa triển khai từ đầu năm 2022. Theo đó, mỗi tuần các cơ sở Đoàn biên tập xác định các điều luật theo từng chuyên đề trong từng tuần và được gắn tại các bản tin của cơ quan, đơn vị, nơi công cộng... Nội dung phổ biến tập trung vào các văn bản luật, quy định như: Luật Thanh niên; Luật An toàn giao thông; Luật Phòng, chống ma túy...
Đoàn viên, thanh niên xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) tìm hiểu pháp luật thông qua mô hình Mỗi tuần một điều luật.
Đồng chí Ma Doãn Tài, Bí thư Huyện đoàn Chiêm Hóa cho biết, xác định tuyên truyền phổ biến pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, thời gian qua các cấp bộ đoàn trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện nhiều mô hình tuyên truyền với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó mô hình “Mỗi tuần một điều luật” là một trong các mô hình tuyên truyền hiệu quả tại cơ sở. Thông qua mô hình đã giúp đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện nâng cao nhận thức đúng đắn về pháp luật, hình thành ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên.
Các nội dung tuyên truyền trong “Mỗi tuần một điều luật” được lựa chọn theo chủ đề, tình hình thực tế của mỗi địa phương.
Xã Xuân Lập (Lâm Bình) chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống. Vì vậy, Ban Chấp hành Đoàn xã thường xuyên lựa chọn những điều luật quy định về: Luật Hôn nhân - Gia đình, giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong thanh niên; Luật Đất đai, Luật Nghĩa vụ quân sự... Đồng chí Lò Tiến Hướng, Bí thư Đoàn xã Xuân Lập cho biết, “Mỗi tuần một điều luật” là công cụ hỗ trợ cán bộ đoàn thuận tiện hơn trong việc triển khai chương trình giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên tại các cơ sở Đoàn đạt hiệu quả cao hơn, thúc đẩy quá trình tự học, tự rèn của từng đoàn viên. Nhờ đó mà các đoàn viên nắm chắc được những nội dung văn bản luật, thông tư, chỉ thị, chấp hành nghiêm pháp luật.
Việc thực hiện mô hình “Mỗi tuần một điều luật” với phương pháp, cách làm “mưa dầm, thấm lâu” đã giúp hầu hết đoàn viên, thanh niên nắm bắt được những nội dung cốt lõi của các điều luật. Thông qua đó, mỗi đoàn viên, thanh niên sẽ là một tuyên truyền viên tích cực phổ biến pháp luật tới những thành viên trong gia đình, bạn bè. Chị Hoàng Thị Thắm, đoàn viên Chi đoàn thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm (Hàm Yên) cho biết đối với đoàn viên, thanh niên có nhiều bạn “lười” tiếp cận với các điều luật bởi những quy định, điều luật thường khô cứng, khó hiểu. Tuy nhiên, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền của cơ sở Đoàn, việc tiếp cận đã không còn quá khó khăn.
Để công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh thiếu niên phát huy hiệu quả cần có sự vào cuộc cũng như phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh việc duy trì các phương pháp, hình thức tuyên truyền truyền thống như: “Phiên tòa giả định”; cuộc thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu về trật tự an toàn giao thông, ngày hội thanh niên Tuyên Quang với văn hóa giao thông; Ngày pháp luật Việt Nam..., việc triển khai thêm những mô hình mới, linh hoạt, có sự sáng tạo, phù hợp sẽ góp phần giúp đoàn viên, thanh niên dễ tiếp cận và tham gia. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho các cán bộ đoàn nâng cao kỹ năng tuyên truyền của mình.
Gửi phản hồi
In bài viết