Những vườn chè xuân đang nứt nanh, nhú lộc mơn mởn báo hiệu một vụ chè đầy triển vọng.
Vụ chè xuân là khởi đầu cho vòng thu hoạch của một năm, rất quan trọng. Tuy sản lượng vụ chè xuân năng suất không bằng vụ chính mùa hạ, song hương vị chè xuân được cho là ngon nhất trong năm bởi nó kết tinh “khí trời vị đất vào xuân”. Với gần 9.000 ha chè trong toàn tỉnh, những ngày này xuống các địa phương đều thấy màu xanh mởn mởn của vụ chè xuân. Trên các vườn chè, thi thoảng lại bắt gặp từng tốp người đang chăm sóc, thu hái chè. Công việc diễn ra khẩn trương, hối hả ngay từ những ngày đầu năm.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ nhiệm Hợp tác xã chè Ngân Sơn - Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) cho biết, thời tiết năm nay có lạnh, nhưng mưa phùn nhiều. Qua rằm tháng Giêng trời bắt đầu ấm dần, hửng nắng, các vườn chè ra búp rất đẹp. Hiện tại các vườn chè hữu cơ của cơ sở cho thu hái một tháng hai lứa. Chè xanh hái về được đưa vào sao suốt với lò đốt củi thủ công truyền thống. Chè xuân khi pha nước có màu xanh và hương thơm đặc trưng hơn các mùa khác nên những người thưởng chè, sành uống chè thường thích uống chè xuân. Bởi đây chè vụ mới, hương vị mới của mùa xuân. Nhờ danh tiếng của chè xuân mà giá chè thường cao hơn chè mùa hạ, mùa thu.
Hiện nay 3 công ty sản xuất chè lớn nhất tỉnh là Công ty cổ phần Chè Tân Trào, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, Công ty cổ phần Chè Sông Lô đã ra quân sản xuất ngay từ những ngày đầu năm mới, thu mua chè vụ xuân. Ông Lê Quang Chuyền, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) khẳng định, 430 ha chè của công ty liên kết với người dân vụ xuân này đang sinh trưởng phát triển tốt. Người dân trồng chè cam kết tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đốn, bón phân, chăm sóc, thu hái chè đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn. Dây chuyền của nhà máy hoạt động liên tục, có thể chế biến với công suất 72 tấn chè búp tươi/ngày.
Người dân xã Mỹ Bằng, Yên Sơn thu hoạch chè, bán cho nhà máy.
Năm 2021, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm sản xuất được trên 2.000 tấn chè khô thành phẩm xuất đi thị trường trong nước và thế giới. Với những kết quả đã đạt được, vụ chè năm 2022, công ty đặt ra nhiều kỳ vọng mới, khi dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, vấn đề xuất khẩu được khơi thông. Ngay từ đầu vụ chè xuân, toàn bộ tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động của công ty ra quân với một khí thế mới, khí thế bắt tay ngay vào công việc.
Là một người làm chè lâu năm, ông Nguyễn Văn Tuấn, xóm 2, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) tâm sự: “Tôi đúc rút từ nhiều năm rồi, mình phải đốn chè khá sớm. Đốn muộn quá vụ chè xuân bị ảnh hưởng. Vì sau đốn, chè cần một quãng thời gian để “tĩnh dưỡng, nạp năng lượng”. Do căn thời gian chuẩn, hơn 1 ha chè xuân của gia đình tôi ra Tết đã lên bời bời. Cứ 5 kg chè tươi, gia đình tôi sao được 1 kg chè khô. Nếu giá chè khô lúc chính vụ chỉ bán trung bình có 100 nghìn đồng/kg, thì vụ xuân phải bán được giá 130 - 150 nghìn đồng/kg. Nếu bán chè tươi cho nhà máy thì họ đang thu mua với giá 10 nghìn đồng/kg. Nói chung theo tôi trồng chè là chắc ăn, ít bị mất mùa, kinh tế ổn định”.
Trên địa bàn tỉnh có nhiều giống chè, trong đó có 2 giống có diện tích chủ đạo là chè Trung du và FH1, năng suất trung bình đạt trên 8,5 tấn/ha/năm. Với diện tích trên, sản lượng chè tươi của tỉnh hàng năm đạt trên 67 nghìn tấn. Để đạt và vượt được kế hoạch đó trong năm mới Nhâm Dần 2022, ngành chè và người trồng chè trong tỉnh đã nỗ lực cao ngay từ vụ chè xuân. Từ công xưởng nhà máy đến đồi chè, không khí thi đua sản xuất hối hả, báo hiệu một mùa chè đầy triển vọng.
Gửi phản hồi
In bài viết