Người dân thôn Phú Thị, xã Chi Thiết (Sơn Dương) đánh bắt cá chép ruộng.
Được biết trước đây, người dân Chi Thiết vẫn quen với việc một năm sản xuất 2 vụ lúa, tuy nhiên hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Nguyên nhân do nơi đây thuộc vùng chiêm trũng, thường xuyên ngập vào mùa nước lên, khoảng 10 năm trở lại đây, nhân dân đã áp dụng mô hình nuôi cá chép ruộng. Hiện nay người dân trong xã tập trung nuôi cá chép ruộng tại thôn Phú Thị, Tây Vặc và Gốc Lát với diện tích 13,5 ha, sản lượng đạt từ 1-1,2 tấn/ha.
Anh Trịnh Ngọc Sơn, thôn Phú Thị là một trong những hộ nuôi cá chép ruộng đầu tiên của thôn cho biết, từ năm 2010, sau khi thu hoạch lúa xuân, anh dẫn thêm nước vào ruộng, đắp bờ, mua cá giống về thả. Với diện tích hơn 3 ha, anh đã nuôi cá chép, trắm, rô phi, nhưng chủ yếu là cá chép vì thích nghi với điều kiện sống, thời gian sinh trưởng ngắn nên cá chép lớn nhanh trong môi trường ruộng lúa. Theo anh Sơn, thời gian thả cá từ tháng 5-6 và thu hoạch vào tháng 12 âm, hoặc muộn nhất là đầu xuân, tùy thuộc vào từng ô ruộng trũng. Cá chép khi thả đạt trọng lượng từ 0,5kg/con, khi thu sẽ đạt được hơn gần 4 tấn. Với giá bán ra thị trường từ 50-60 nghìn đồng/ 1kg, mỗi năm, một vụ cá cũng mang lại lợi nhuận cho gia đình anh thu nhập trên 70 triệu đồng.
Từ nhiều năm nay gia đình anh Dương Văn Tiến, thôn Tây Vặc cũng đã tận dụng 2ha ruộng của gia đình, vừa cấy lúa 2 vụ vừa nuôi cá chép. Anh Tiến cho biết, đây là một cách làm hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng cây màu. Bởi thời gian nuôi ngắn, vốn đầu tư không nhiều, vừa cải tạo được đất trồng lúa vụ xuân, vừa tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên trên đồng ruộng. Đặc biệt cá nuôi ở ruộng rất nhanh lớn và được thương lái rất ưa chuộng, màu đẹp mà khi chế biến thành món ăn thịt cũng chất lượng, thơm, ngon hơn cá trong ao. Mỗi vụ gia đình cũng thu lãi được khoảng vài chục triệu đồng.
Người dân thôn Phú Thị, xã Chi Thiết (Sơn Dương) đánh bắt cá chép ruộng.
Theo những hộ chăn nuôi cá chép, thì mô hình này rất hiệu quả, chỉ cần đầu tư đắp bờ vùng, chia thửa, để tạo hệ thống kênh mương xung quanh thửa ruộng. Cá chép thả trong ruộng tự kiếm thức ăn, người nuôi cá giảm được nhiều chi phí, tăng nguồn lãi. Bên cạnh đó, cá nuôi cũng có chất lượng ngon hơn so với trong ao. Mô hình đã và đang mở ra nhiều hướng triển vọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đồng chí Trần Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Thiết cho biết, nuôi cá chép ruộng là mô hình mang tính bền vững, góp phần đáng kể trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, việc nuôi cá chép ruộng vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, năng suất chưa cao, không chủ động nguồn cung ứng cho thị trường. Để mô hình nuôi cá chép ruộng đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới UBND xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện tăng cường các lớp tập huấn, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhân rộng mô hình cá chép ruộng lên 15 ha. Xã sẽ chú trọng công tác tuyên truyền, giới thiệu quảng bá và lựa chọn cá chép ruộng là sản phẩm chủ lực đặc sản của địa phương.
Những kết quả thực tế đã cho thấy mô hình nuôi cá chép ruộng rất phù hợp với điều kiện nuôi thủy sản của xã Chi Thiết (Sơn Dương), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của xã, giúp cải thiện nguồn thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết