Những nhân tố mới
Tháng 5-2020, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Tân An (Chiêm Hóa) được thành lập, với 7 thành viên là Bí thư Chi đoàn các thôn trên địa bàn. Giám đốc Hợp tác xã Hà Quang Tự, sinh năm 1990 cho biết, khi ý tưởng thành lập một hợp tác xã đa ngành nghề, đa dịch vụ được manh nha hình thành, Tự đã kết nối với bí thư chi đoàn các thôn để cùng tìm kiếm sự hưởng ứng. Rất may, khi hầu hết đoàn viên, thanh niên đang loay hoay với câu hỏi làm gì để bám quê, đều đồng tình, sẵn sàng cùng Tự “chung lưng đấu cật”. Không trông chờ sự hỗ trợ từ phía chính quyền, 7 thành viên cùng nhau góp vốn để hoạt động. 2 tỷ đồng là con số không nhỏ với một hợp tác xã non trẻ cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Tân An.
Anh Bùi Văn Hoàng, sinh năm 1989, Giám đốc Hợp tác xã Cà Gai leo Hợp Hòa (Sơn Dương).
Giám đốc Hợp tác xã Hà Quang Tự cho biết, rút kinh nghiệm từ chính các hợp tác xã trong và ngoài huyện, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Tân An hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Chăn nuôi trâu bò, kinh doanh du lịch, dịch vụ, xây dựng các công trình dân dụng và cả trồng rừng... Tháng 4-2021, mô hình Homestay và kinh doanh các dịch vụ du lịch của Hợp tác xã bắt đầu khởi động tại thôn An Thịnh. Tự cho biết, mình là người trẻ, lại hoạt động Đoàn, nên luôn muốn khai thác tối đa lợi thế của quê hương mình. Ngay khi xây dựng Homestay và hình thành các điểm check-in là cánh đồng hoa ở An Thịnh, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Tân An cũng dự định sẽ thành lập một Câu lạc bộ hát Then mà thành viên là các đoàn viên, thanh niên trong xã để vừa bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, vừa giữ chân lao động trẻ ở lại quê hương, khi Tân An nổi tiếng là mảnh đất của những làn điệu Then truyền thống. Thời điểm này, dịch bệnh diễn biến phức tạp, du lịch chưa có cơ hội phục hồi, Hợp tác xã không vì thế mà “đóng băng” hoạt động. Số vốn 2 tỷ đồng các thành viên đầu tư mua máy móc để thi công các công trình dân dụng trên địa bàn. Đổ bê tông các tuyến đường thôn, xã, đường nội đồng, xây dựng các công trình nhỏ... có tiền, lại quay trở lại đầu tư cho du lịch, dịch vụ. Hà Quang Tự tự tin, đây là con đường dài mà tất cả các thành viên đã tính toán kỹ lưỡng, để việc thành lập hợp tác xã thanh niên nông thôn không phải chạy theo “xu thế”, mà có thể tồn tại và phát triển mạnh về lâu dài.
Hà Quang Tự là một trong số gần 30 Giám đốc hợp tác xã dưới 35 tuổi trên địa bàn tỉnh theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh. Ông Cao Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết, đây là một tín hiệu tốt đối với hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Ưu điểm của những người trẻ là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng sức mạnh của cuộc cách mạng 4.0 phục vụ cho hoạt động của mình. Họ năng động, nhạy bén, tiếp cận thông tin nhanh; nhanh nhạy trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đến thời điểm này, có thể kể đến sự thành công của nhiều hợp tác xã trẻ như Hợp tác xã Cam sành Sơn Nữ (Hàm Yên), Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất, chế biến nông lâm nghiệp Hợp Hòa (Sơn Dương), Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Năng Khả, Hợp tác xã Nông nghiệp Đà Vị (Na Hang), Hợp tác xã Nhật Minh (Lâm Bình)...
Còn nhiều việc phải làm
Việc trẻ hóa hợp tác xã là việc cần thiết, khi nông nghiệp nông thôn đang dần bước vào cuộc đua thị trường, thay vì sản xuất những gì có lợi thế như trước đây.
Tuyên Quang, với mục tiêu có trên 500 hợp tác xã vào năm 2025, trong đó, số hợp tác xã hoạt động tốt, khá chiếm trên 60% và đạt ít nhất 20% cán bộ quản lý hợp tác xã có trình độ cao đẳng, đại học... thì việc thu hút, tạo điều kiện để người trẻ tham gia vào hợp tác xã đang được quan tâm hơn bao giờ hết.
Một loạt các chính sách, cơ chế hỗ trợ hợp tác xã được HĐND tỉnh ban hành, để từng bước thu hút lao động trẻ, lao động có trình độ về làm việc tại các hợp tác xã. Như Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển Hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản; Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025...
Chị Trần Thị Huệ (bên phải ảnh), đang tìm hiểu, hỗ trợ các hợp tác xã giới thiệu sản phẩm trên nền tảng công nghệ số.
Giai đoạn 2018 - 2020, Kế hoạch triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã nông nghiệp theo Quyết định 1231 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được triển khai ở tỉnh. 3 hợp tác xã được hỗ trợ là Hợp tác xã Tiến Quang (Chiêm Hóa), Hợp tác xã Tam Đa (Sơn Dương) và Hợp tác xã Làng Bát (Hàm Yên). Tuy nhiên, theo Chi cục Phát triển nông thôn, đến thời điểm này, chỉ còn 1 cán bộ ở lại làm việc tại Hợp tác xã, còn lại đều đã nghỉ việc. Lý do là hầu hết các cán bộ trẻ có trình độ được đưa về làm việc tại các hợp tác xã ở vị trí kế toán. Đây là một hạn chế, vì theo ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, để người trẻ có trình độ gắn bó lâu dài với hợp tác xã, cần để họ giữ những chức vụ nhất định và có vai trò nhất định trong việc cùng tham gia hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh của hợp tác xã.
Đối với những hợp tác xã có khả năng đi đường dài, có chiến lược phát triển bài bản nhưng gặp khó về vốn, nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ phía các cơ quan liên quan. Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Hùng Dũng cho biết, riêng trong năm 2021, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai 3 dự án quay vòng vốn 120 với tổng số tiền 867 triệu đồng, hỗ trợ 3 hợp tác xã trẻ là Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Tân An (Chiêm Hóa), Hợp tác xã Nông sản an toàn Núi Mây (Yên Sơn), Hợp tác xã Kim Long (Na Hang).
Hiện, để hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận với công nghệ, làm quen với chuyển đổi số, năm 2022, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đang hỗ trợ thành lập một Hợp tác xã chuyên về chuyển đổi số, qua đó có các giải pháp giúp đỡ, hướng dẫn các hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã nông lâm nghiệp đưa sản phẩm của mình lên các nền tảng số, tiếp cận thị trường theo hướng chuyên nghiệp và nhanh nhạy hơn.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Hùng Dũng, những giải pháp về cơ chế, chính sách, nguồn lực... cần nhưng chưa đủ. Để người trẻ thực sự quan tâm, có nhu cầu, mong muốn “đầu quân” về các hợp tác xã, thì quan trọng nhất là sự đồng hành của chính quyền địa phương. Sẽ không thể có hợp tác xã tốt, hoạt động hiệu quả, đổi mới về nhân lực nếu chính quyền địa phương hoàn toàn đứng ngoài cuộc. Về lâu dài, đây mới là chìa khóa giải bài toán nhân lực trẻ cho các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết