Từ 10h, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) đã mở cửa đón khách. Tại đây, du khách được cán bộ, nhân viên Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu sử dụng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách trong suốt quá trình tham quan.
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, ngày 7-3, trung tâm đã phun thuốc khử trùng toàn bộ không gian di tích. Việc này đã được duy trì hằng tuần trước đó để bảo đảm các điều kiện, sẵn sàng đón khách trở lại, ngay khi có quyết định của cơ quan chủ quản. Trung tâm cũng đã bố trí điểm quét mã QR code để du khách tiện khai báo y tế trước khi tới điểm di tích.
Ảnh minh họa: Internet
"Công tác truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tới du khách cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, bằng việc đặt hàng chục pano tuyên truyền tại các vị trí thuận tiện, dễ thấy, đồng thời cho phát băng liên tục nhắc nhở du khách thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch", ông Lê Xuân Kiêu thông tin.
Tại Hoàng thành Thăng Long (quận Ba Đình), các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã được hoàn tất vào trước thời điểm mở cửa đón khách trở lại vào sáng 8-3. Hệ thống máy cung cấp dung dịch sát khuẩn, đo thân nhiệt, khai báo y tế... được trang bị ở ngay cổng vào di tích.
Toàn bộ người ra vào di tích phải tuân thủ quy định đeo khẩu trang, duy trì giãn cách. Tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn, Tổ đình Phúc Khánh..., khách tham quan được kiểm tra thân nhiệt, nhắc nhở tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khai báo y tế - Khoảng cách - Không tụ tập đông người).
Trưởng phòng Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thị Yến cho biết, toàn bộ cán bộ, nhân viên tại trung tâm đã được tập huấn về công tác phòng, chống dịch, có nghĩa vụ tuyên truyền, nhắc nhở khách tham quan tuân thủ các quy định của Trung ương, Bộ Y tế và thành phố Hà Nội, ngăn ngừa tối đa nguy cơ lây lan dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, một số di tích, cơ sở tôn giáo vẫn đóng cửa, ngừng đón khách để tiếp tục triển khai các điều kiện phòng, chống dịch, như: Chùa Hương, phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh...
Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ) Đỗ Ngọc Long cho biết, di tích phủ Tây Hồ (phường Quảng An) đang được triển khai hệ thống quét mã QR code để phục vụ công tác khai báo y tế. Di tích sẽ sớm mở cửa phục vụ khách thập phương khi công tác này hoàn thành.
Còn theo Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hương Sơn (Mỹ Đức) Nguyễn Bá Hiển, do đặc thù của điểm đến di sản là đông khách tham quan trẩy hội (mỗi ngày đón hàng nghìn người) nên di tích chùa Hương cần bổ sung các điều kiện phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn sức khỏe cho du khách.
Cùng ngày, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có Công văn số 509/SVHTT-NSVH gửi UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc mở cửa các di tích, danh thắng và triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Công văn nêu, thực hiện Thông báo kết luận số 15/TB-BCĐ ngày 4-3 của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, để bảo đảm phục vụ cho nhân dân tham quan và nhu cầu tâm linh tại các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, nơi thờ tự trên địa bàn thành phố, các cơ sở di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố mở cửa hoạt động trở lại, đón khách tham quan từ ngày 8-3 (không bao gồm việc tổ chức lễ hội) nhưng phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Chủ động xây dựng phương án chi tiết vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa bảo đảm nhu cầu văn hóa tâm linh tại các cơ sở di tích, danh lam thắng cảnh phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Trường hợp nếu du khách đông, không bảo đảm phương án phòng, chống dịch cần tạm dừng mở cửa đón khách cho tới khi các điều kiện được bảo đảm thì mở cửa trở lại.
UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm việc kiểm tra, giám sát thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố trong các hoạt động lễ hội, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức cưới, hỏi, sinh nhật, tiệc mừng gọn nhẹ, không kéo dài thời gian, không ăn uống tập trung đông người, thực hiện việc tang văn minh, chỉ tổ chức trong một ngày. Thực hiện thông tin, báo cáo hằng ngày qua đường dây nóng của thành phố và báo cáo bằng văn bản về Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Gửi phản hồi
In bài viết