Con nước rằm tháng 10 âm lịch kéo theo mực nước nổi vùng đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh. Mấy cánh đồng ven biên giới Tây Nam trắng xóa con nước bạc. Đó cũng là thời điểm những đàn trâu bắt đầu “di cư” dọc biên giới Tây Nam, tìm đến những cánh đồng chưa ngập nước để trú ngụ. Người và trâu cứ thế đi mãi, từ cánh đồng ngập nước này sang cánh đồng khác, đến khi nước rút cạn khô mới trở về. Mùa len trâu cũng không có thời gian nào cố định, mà lệ thuộc vào con nước nổi hằng năm.
Một đoàn trâu vài trăm con len qua cánh đồng nước thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.
Chạy đồng theo con nước
Chiếc xe máy chạy dọc dòng kênh Vĩnh Tế rồi dừng lại bất ngờ. Bên kia bờ kênh có đàn trâu độ 20 con lớn nhỏ đang rút chân trên một gò đất cao. Chung quanh bốn bề nước nổi, ngập trắng đồng. Ông Võ Văn Đối, 67 tuổi, ở xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đang vác bó cỏ xanh vừa cắt được về phía đàn trâu đang háo đói. Ông Đối kể, nhà không ruộng đất, rồi nghiệp nuôi trâu vận vào thân, cách đây 30 năm về trước.
Ông “khởi nghiệp” bằng 2 con trâu nuôi sinh sản, mà không có đất làm chuồng. Rồi ông cứ chăn thả dọc theo bờ kênh Vĩnh Tế để trâu kiếm cỏ xanh lót dạ. “Hồi đó, mấy năm lũ lớn như năm 2000, năm 2011, tui cùng với mấy anh em nuôi trâu trong xóm bàn nhau đưa trâu chạy đồng, chứ ở đây nước ngập lút không còn chỗ cho trâu nằm. Mỗi đàn gom lại vài ba chủ, độ vài chục con, lùa xuyên đồng nước lũ”, ông Đối nhớ lại.
Những bãi cỏ xanh rì trở thành cứu cánh cho đàn trâu di cư đổ về Đồng Tháp.
Rồi từ 2 con trâu cái, ông Đối gây đàn, đến nay hơn 20 con lớn nhỏ. Do len trâu quá vất vả, ăn ngủ đồng xa nên ông dành dụm tiền, thuê xáng cạp đổ đất, tôn cao nền gò mã (đã được người nhà cải táng) bên bờ kênh Vĩnh Tế làm nơi trú ngụ của cả nhà và đàn trâu.
“Giờ nước ngập cỡ nào, tui cũng cầm trâu ở đây, vựa sẵn 1.000 cuộn rơm khô đủ cho đàn trâu sống qua mấy tháng ròng, chứ không đi len trâu nữa. Nhưng mấy “đồng nghiệp” của tui giờ vẫn đưa trâu chạy đồng, nghe đâu về miệt biên giới Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, giáp với nước bạn Campuchia”, ông Đối nói.
Từ thông tin của lão Đối, tôi lại đi dọc biên giới Tây Nam, từ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, vượt sông Tiền sang huyện biên giới Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Rồi theo quốc lộ 30, ngược lên cửa khẩu Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.
Ở xa xa, một đoàn len trâu đang băng đồng nước về phía nội đồng thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.
Tim tôi như thắt lại, khi phát hiện đàn trâu cả trăm con đang ào ào vượt cánh đồng nước nổi thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng. Những thảm cỏ xanh rì trở thành cứu cánh cho đàn trâu di cư, chạy lũ. Anh Trần Văn Dự, ở xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, chủ đàn trâu 15 con đang nhập vào đoàn len trâu này, cho biết, tới mùa nước nổi là phải đưa trâu chạy đồng. Người chủ thương con vật trung thành, quanh năm cơ cực cày ruộng, kéo xe, nên không thể để nó ốm đói trong mùa nước ngập vì thiếu cỏ xanh.
“Ăn rơm cũng được nhưng không có cỏ xanh thì con trâu mất sức dữ lắm. Nhốt trâu ở nhà ăn rơm khô suốt mấy tháng ròng nước ngập thì nó chỉ còn da bọc xương, sức đâu cày ruộng. Bởi vậy, cứ tới mùa nước nổi là bốn năm anh em trong xóm bàn nhau len trâu chạy đồng. Mấy năm nước lớn, mấy cánh đồng ở huyện Tân Hồng ngập lút thì lùa lên miệt Tân Hưng, tỉnh Long An, thậm chí qua tận nước bạn Campuchia cho trâu trú ngụ. Hết nước mới trở về”, anh Dự chia sẻ.
Mùa len trâu là một cuộc di cư lớn của người và trâu để đi tìm sự sống, trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Tôi để ý một người đàn ông ngoài tuổi 60, nước da ngăm đen, sạm nắng đang chỉ huy đoàn len trâu lớn. Ông tên Hai Đực, quê gốc huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Hơn 40 năm làm nghề nuôi trâu, rồi ông lang bạt theo những đoàn trâu len qua các cánh đồng ngập nước. Đàn trâu này có tới năm, bảy đàn nhỏ, nhập lại thành đoàn, len chung để tiện bề quản lý, giúp đỡ lẫn nhau.
Hồi đầu mùa nước nổi tới giờ, Hai Đực đã len đàn trâu mộng vượt mấy cánh đồng ngập nước từ xã Long Sơn, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang rồi vượt sông Tiền qua huyện đầu nguồn Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Theo ông Đực, năm nay nước nổi lên nhanh đợt cuối mùa, có mấy ngày mà nước chụp đồng, cỏ cây lút đọt. Vậy nên, mỗi nơi chỉ cầm trâu độ chừng một hai tuần là phải chạy đi đồng khác.
Len trâu còn là sự trả ơn của người nông dân với con vật trung thành, quanh năm cực khổ giúp họ làm ra hạt lúa.
Ngồi trên lưng con trâu mọng đầu đàn, Hai Đực thúc đôi chân thình thịch vào hông, nó róng to, lao mình chẻ nước. Đàn trâu phía sau cũng ào ào băng qua đồng nước. Cả cánh đồng nước bị một trận càn quét dữ dội. Tiếng chân trâu đạp nước sồn sộn, dập dồn. Bùn, sình cuộn lên từ đụn lớn, lan ra tứ phía. Mặt nước đen ngòm. Độ một giờ sau, đàn trâu đã tới được vạt đất cao. Cả đoàn dừng lại. Đàn trâu được thả rong, nhởn nhơ thưởng thức cỏ xanh.
Ký ức tuổi thơ trên đồng lũ
Mùa len trâu là một bức tranh đồng quê miền Tây Nam bộ trong mùa nước nổi. Những hình ảnh tưởng chừng chỉ còn trong ký ức, thuở nào, giờ hiển hiện ngay trước mắt.
Người chủ không nỡ nhìn trâu đói ốm nên phải lùa chạy hết đồng này sang đồng khác tìm cỏ xanh.
Năm 1996, nước lụt tràn qua mấy con đường đất nông thôn, chảy xiết. Đường biến thành sông. Cái xứ Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang bốn mặt là sông, lúc bấy giờ mênh mông trong biển nước. Ba tôi phải gửi tôi ở nhà một người quen gần trường để đi học cấp hai. Rồi ba tôi tất tả chạy về quê ngoại ở tận Đồng Tháp để tìm chỗ đưa 2 trâu chạy đồng vì chuồng bị ngập.
Ba tôi nói, len trâu không chỉ là giữ được tài sản lớn nhất của gia đình, mà còn là sự trả ơn của con người với con trâu quanh năm vất vả, giúp nông dân làm ra hạt lúa. Mấy chuyện nặng nhọc như kéo cày, kéo xe mà sức người không kham nổi, đều phải cậy trâu làm. Mùa len trâu trở thành một cuộc di cư lớn của con người và hàng nghìn con trâu, đi tìm sự sống, trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Ba tôi đã đi xa, hơn chục năm về trước. Vậy mà những mùa len trâu trong ký ức tuổi thơ lại tìm về, trong hiện tại.
Một gò đất chưa ngập nước ở huyện Tịnh Biên thành nơi chen chân của hơn 20 con trâu.
Cái vỗ vai của ông Hai Đực khiến tôi chợt tỉnh, đánh rơi dòng ký ức. Hai Đực kể, hàng chục năm phiêu bạt đồng xa đầy nắng gió, mùa len trâu đã trở thành nỗi nhớ trong ông, mỗi năm tới mùa nước nổi. Dẫu phải ăn ngủ trên đồng, khó khăn, vất vả nhưng năm nào nước nổi không về, ông lại lao xao nhớ và mong chờ mùa len trâu trở lại.
Niệt (buộc) trâu lại sau một ngày chạy đồng nước nổi.
Điều đáng nhớ nhất trong cuộc đời len trâu của mình là những vết thương do trâu chém chằng chịt ở đùi, lưng, tay… trở thành “huy hiệu” với nghề. Đặc biệt là mối duyên nợ đồng xa, khiến chàng trai quê Hòn Đất gặp và đem lòng yêu cô gái quê hương Hồng Ngự, trong một mùa len trâu đến nơi này, sau ngày giải phóng đất nước. Được gia đình 2 bên tác hợp, vợ chồng Hai Đực về gầy dựng gia đình nối nghiệp nuôi trâu ở gần cầu Kháng Chiến 2, xã Bình Thạnh, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đến tận bây giờ.
Lán trại tạm bợ trên đồng của chủ trâu để ngủ giữ đàn trâu chạy đồng.
Dẫu tuổi đã cao, sức khỏe có phần hạn chế, nhưng ông Đực vẫn mải miết với nghề nuôi trâu chạy đồng nước nổi. Có điều, ông bảo, mùa nước nổi về miền Tây mỗi năm một thất thường, cũng không còn nhiều như trước nữa. Chắc rồi, những mùa len trâu cũng dần vắng bóng, sẽ chỉ còn trong ký ức, về sau!
Gửi phản hồi
In bài viết