Mua sắm ô tô trực tuyến: Từ xu hướng trở thành ''bình thường mới''

Từ đầu năm 2021, hầu hết ô tô mới tại Việt Nam đều trình làng qua các sự kiện trực tuyến trong khi các tên tuổi ngành xe đều mạnh tay đầu tư cho các tiện ích “ảo”, đặc biệt là các công cụ mua sắm ô tô trên môi trường số.

Trong những ngày đầu tháng 8, Hyundai Grand i10 trở thành gương mặt mới nhất được ra mắt theo hình thức trực tuyến. Động thái này diễn ra chỉ ít ngày sau sự kiện “ảo” đình đám của Ford nhằm ra mắt dòng bán tải Ranger sản xuất trong nước. Trước đó, Audi, BMW, Honda... đã nhiều lần giới thiệu sản phẩm mới thông qua các buổi livestream YouTube, Facebook, và tổ chức nhiều hoạt động tương tác trên mạng xã hội.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện một hãng xe cho rằng, việc tổ chức sự kiện ra mắt xe mới trực tuyến ban đầu tuy có nhiều bỡ ngỡ, nhưng nhanh chóng thể hiện nhiều ưu điểm so với hình thức trực tiếp trước kia.

Trong đó, đáng nhắc tới hơn cả là giúp tiết kiệm chi phí, công sức, trong khi lại dễ dàng truyền tải thông điệp về sản phẩm tới người xem. Sản xuất nội dung số khi ra mắt xe cũng “một công đôi việc” khi những sản phẩm tạo ra có thể sử dụng cho hoạt động tiếp thị và kinh doanh sản phẩm về lâu dài.

Không chỉ dừng lại ở sự kiện công bố, các hãng còn mạnh dạn “số hóa” hàng loạt khâu khác. Mới đây, VinFast gây ấn tượng khi xây dựng hệ thống trang web tiếp nhận đơn đặt hàng và thực hiện thủ tục thanh toán cho chiếc ô tô điện VF e34 với nhiều tiện ích.

Ở phân khúc xe sang, Mercedes-Benz từ tháng 3 đã nhanh tay khai trương sàn giao dịch xe trực tuyến, với tuyên bố nhằm “nâng cao trải nghiệm khách hàng trong kỷ nguyên công nghệ và đi tiên phong về mua sắm trực tuyến trong ngành ô tô”.

Tương tự, mảng dịch vụ cũng có thêm nhiều “món” mới. Người tiêu dùng trong nước giờ đây dễ dàng đặt lịch bảo dưỡng xe, và nhân viên kỹ thuật của hãng sẽ tới tận nơi mang xe đi. Thậm chí, với một số thương hiệu “chiều” khách, việc trải nghiệm xe mới cũng được thực hiện theo cách này.

Những bước đi bạo dạn của các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam là mảnh ghép nhỏ trong bức tranh số hóa mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô thế giới, vốn manh nha từ lâu nhưng gần đây chuyển mình nhanh chóng trong nỗ lực ứng phó với những thách thức chưa từng có từ đại dịch Covid-19.

Theo các nghiên cứu gần đây, thói quen tìm kiếm chiếc ô tô ưa thích trên mạng internet nhưng vẫn tới các phòng trưng bày để trả tiền đang dần thay đổi, khi dịch Covid-19 trở thành động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành kinh doanh đặc thù này. Xu hướng này diễn ra trên quy mô toàn cầu, thậm chí ngay cả với việc mua sắm những dòng xe đắt tiền. Theo kết quả nghiên cứu của GForces - nhà cung cấp các giải pháp thương mại điện tử cho ô tô, số xe bán ra trong năm 2020 tại Anh thông qua các kênh công nghệ đã tăng hơn 12 lần so với năm 2019.

Giám đốc Thương mại Tim Smith của GForces cho biết, Covid-19 đã thúc đẩy sự chuyển dịch sang môi trường trực tuyến đối với ngành kinh doanh ô tô theo cách tương tự các lĩnh vực khác, và giờ chính là lúc mô hình kinh doanh xe trực tuyến đã chín muồi. Một thuận lợi lớn lúc này là khách hàng có niềm tin lớn hơn nhiều đối với việc mua sắm trực tuyến. Bản thân việc mua xe qua mạng cũng đem lại nhiều ích lợi, từ bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh, cho tới rút ngắn quy trình, giảm bớt thủ tục giấy tờ... Những khúc mắc dễ dàng được giải quyết nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, như đàm thoại hình ảnh, các tiện ích trực quan, công nghệ thực tại ảo...

Những trải nghiệm thú vị từ mua xe trực tuyến đã khiến số người dùng thay vì tới phòng trưng bày, lại chọn truy cập vào các trang web để tìm mua xe tăng lên nhanh chóng. Theo hãng tư vấn Frost & Sullivan (Mỹ), có tới 63% người dùng đang cân nhắc mua ô tô trong 5 năm tới cho biết sẵn sàng giao dịch qua các kênh trực tuyến. Trong khi đó, khảo sát của Smilee trong năm 2021 cho thấy, 51% người tiêu dùng ô tô thậm chí sẵn sàng mua ô tô cũ qua mạng, miễn là họ được cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về chiếc xe, với độ tin cậy cao.

Cũng cần phải nói rằng, trào lưu mua sắm ô tô trực tuyến còn có một động lực khác, đó chính là xe điện. Lý do là bởi khách hàng xe điện là nhóm người dùng có xu hướng ham khám phá, do đó, dễ chấp nhận những trải nghiệm khác thường, mới lạ. Tâm lý này khiến việc ra quyết định mua một chiếc ô tô trên môi trường mạng trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Khi người dùng dần chấp nhận trào lưu mới, dĩ nhiên các nhà sản xuất không có lý do gì để tiếc tiền đầu tư vào các trải nghiệm. Cùng với việc bổ sung tiện ích giúp việc khám phá và mua sắm sản phẩm trên môi trường mạng nhanh chóng và dễ dàng hơn, các hãng cũng chú trọng đầu tư vào trải nghiệm ảo. Bước đi này là phù hợp trong bối cảnh ngày nay chỉ 8% người dùng trung thành tuyệt đối với một thương hiệu ô tô cụ thể, trong khi có tới 57% người dùng trung thành với những trải nghiệm tốt nhất mà họ được hưởng - dù là từ thương hiệu nào.

Theo Frost & Sullivan, 79% người dùng nhấn mạnh các thương hiệu cần chứng minh họ thực sự hiểu khách hàng, và phải tạo được ấn tượng ban đầu tuyệt vời để hút khách. Trong bối cảnh giãn cách và số hóa hiện nay, “cánh cửa” tốt nhất không thể nằm ngoài môi trường trực tuyến.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục