Cụ thể, toàn thị trường trong tháng 7 đã bán ra 16.035 xe các loại, giảm tới 32% so với tháng trước đó và giảm 33% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, đây là tháng thứ ba thị trường ô tô Việt Nam suy giảm, với mức tụt ngày càng cao.
Trong đó, xe du lịch chứng kiến mức lao dốc mạnh nhất, lên tới 34%, chỉ đạt 10.411 xe. Các số liệu cũng cho thấy, mức thiệt hại doanh số đối với nhóm xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu hầu như tương đương nhau.
Điểm sáng hiếm hoi là việc tính tới hết tháng 7-2021, tổng doanh số thị trường ô tô Việt Nam tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm ngành kinh doanh này chật vật ứng phó và thích nghi với mô hình hoạt động thời đại dịch Covid-19.
Xét doanh số trên từng mẫu sản phẩm, VinFast Fadil tiếp tục là xe bán chạy nhất thị trường tháng thứ ba liên tiếp - kết quả của các đợt giảm giá không phanh. Với 2.928 xe bán ra, chiếc hatchback cỡ nhỏ “Made in Việt Nam” bán chạy gấp đôi vị trí thứ hai Toyota Vios - đạt 1.344 chiếc tới tay khách hàng trong tháng 7.
Một diễn biến gây nhiều bất ngờ nằm ở việc VinFast Lux A với doanh số hơn 700 chiếc đã lần đầu tiên chen chân vào top 10 mẫu xe bán nhiều nhất tháng. Tuy chỉ đứng ở vị trí thứ chín và còn thua xa đối thủ mạnh Hyundai Santa Fe (912 xe, thứ sáu), lượng bán của mẫu SUV là “giấc mơ” mà nhiều dòng xe từng một thời làm mưa làm gió thị trường trong nước - như Toyota Camry, Mazda6 và Honda Accord - lâu nay không có được.
Trong khi đó, các hợp đồng giao chậm để chuyển sang phiên bản lắp ráp trong nước (CKD) đã giúp Ford Ranger (1.310 xe bán ra) leo một mạch từ vị trí số 10 trong tháng 6 lên vị trí thứ ba trong danh sách xe bán nhiều nhất tháng 7, vượt qua cả nhiều mẫu xe phổ thông ăn khách như KIA Cerato (1.013 xe, thứ tư), Hyundai Accent (983 xe, thứ năm) hay KIA Seltos (767 xe, thứ mười).
Về phần mình, Hyundai Grand i10 do bước vào giai đoạn chuyển đổi thế hệ nên doanh số có phần khiêm tốn, chỉ đạt 805 xe – đứng thứ tám.
Thời gian tới, dịch Covid-19 được cho là sẽ tiếp tục đè nặng lên kết quả kinh doanh của các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam. Ngay từ thời điểm này, sức mua chậm phản ánh ngay ở số lượng xe mới đăng kiểm. Theo số liệu của Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), ngày 9-8 vừa qua chỉ có 160 ô tô đăng ký mới, mức thấp kỷ lục so với trung bình hơn 1.000 xe/ngày trước đây.
Để chủ động ứng phó khó khăn, nhiều hoạt động giảm giá, ưu đãi đã được tung ra, áp dụng trong suốt tháng 8. Toyota cho biết sẽ giảm giá 30 triệu đồng (hỗ trợ lệ phí trước bạ) kèm điều kiện cho Vios G và E. Về phần mình, MG tặng 1 năm bảo hiểm vật chất cho MG ZS COM+ và MG ZS LUX+.
Cùng với đó, các nhà sản xuất cũng không ngừng tung ra mẫu sản phẩm mới. Chỉ trong một tháng qua, thị trường trong nước đón nhận hàng loạt gương mặt nổi bật. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là “vua đô thị” Hyundai Grand i10 2021. Mẫu xe chiến lược của liên doanh HTV bước sang thế hệ mới với kích thước gia tăng, kiểu dáng bắt mắt và thêm nhiều trang bị tiện nghi (như cửa gió hàng ghế sau, cảm biến áp suất lốp, kiểm soát hành trình...), mong muốn đánh bật VinFast Fadil để mở rộng sự hiện diện trong phân khúc xe đô thị cỡ nhỏ giá rẻ.
Cũng trong tháng 7 đầy khó khăn, Isuzu đã tung ra mu-X B7 Plus mới với giá chỉ còn 859 triệu đồng. Xe được nhập khẩu nguyên chiếc và sử dụng động cơ 1.9L tương tự bán tải D-Max vừa trình làng cách đây không lâu.
Về phần mình, Mercedes-Benz đã giới thiệu xe siêu sang Maybach GLS 600 4MATIC với giá lên tới 11,5 tỷ đồng. Động thái này khiến nhiều người tiêu dùng ngạc nhiên, nhưng không gây bất ngờ với giới chuyên môn. Trái với xu hướng chung, thị trường xe sang Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung đang ghi nhận việc kinh doanh khá thuận lợi vì nhiều lý do khác nhau.
Gửi phản hồi
In bài viết