Mục tiêu cao cả không thể phủ nhận

- Thời gian qua, nhất là từ khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức thành công, vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một trong những nội dung mà các đối tượng phản động, bất đồng chính kiến đưa ra những luận điệu xuyên tạc, công kích. Chúng cho rằng, chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Hiện nay, hầu hết các nước đang đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, do vậy Việt Nam không nên giữ mãi mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, cần phải nhận thức cho đầy đủ vì sao chúng ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn khẳng định nhất quán mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) khẳng định: “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”. Đại hội XIII của Đảng cũng xác định: “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Nhìn lại lịch sử nước ta thế kỷ XX và hai thập niên đầu thế kỷ XXI, chúng ta càng nhận thấy sự lựa chọn của Đảng và nhân dân ta là hoàn toàn chính xác. Chính vì vậy, chúng ta càng có đầy đủ cơ sở để khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cao đẹp, bất di bất dịch của dân tộc Việt Nam.

Trải qua gần 80 năm giành và giữ độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, nhất là qua 36 năm thực hiện công cuộc đổi mới với mục tiêu cao cả đó, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước khẳng định bản lĩnh Việt Nam trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, tỏ rõ tính độc lập, tự chủ trong thực hiện chính sách đối nội, đối ngoại, đưa nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Vì vậy, dù thời cuộc biến đổi xoay vần ra sao, dù phải đối mặt với rất nhiều thách thức phía trước, dù cho ai có ảo tưởng vào thiên đường tư bản chủ nghĩa thì hệ giá trị độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vẫn là mục tiêu, là lý tưởng, là ngọn cờ tiếp tục dẫn dắt nhân dân ta đi tới tương lai tươi sáng.

Hoàng Bách

Tin cùng chuyên mục