Người dân thôn Nà Coóc hân hoan trong trang phục truyền thống ngày đầu năm mới.
Lưu giữ nét văn hóa
Chúng tôi theo Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình An về thôn Nà Coóc trong cái rét ngọt của những ngày đầu năm mới. Nụ cười của những người phụ nữ nơi đây như xua đi giá lạnh, chỉ còn đọng lại sự ấm áp, hân hoan. Thôn Nà Coóc có hơn 170 hộ dân sinh sống thì có đến 71 hộ di dân từ Na Hang về từ năm 2006. Về nơi ở mới, mọi thứ đều mới mẻ, lạ lẫm. Các hộ dân ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn để có thể thích nghi với cuộc sống. Tuy nhiên, vượt qua những ngày đầu bỡ ngỡ, được sự giúp đỡ của người dân địa phương, với tinh thần đoàn kết, mọi người đã cùng nhau chung tay xây dựng cuộc sống mới và ổn định cho đến ngày hôm nay.
Những hộ di dân từ Na Hang về là người dân tộc Mông đen, có nhiều phong tục tập quán độc đáo. Người Mông đen thường tự may trang phục truyền thống cho mình. Vì vậy, phụ nữ Mông đen ai ai cũng có bộ trang phục dân tộc mang dấu ấn riêng. Chị Giàng Thị Nhung chia sẻ, ngoài thời gian làm việc đồng áng, phụ nữ trong thôn thường ngồi lại với nhau, chỉ cho nhau những họa tiết, hoa văn để tô điểm cho bộ trang phục thêm phần lộng lẫy. Bộ trang phục truyền thống được coi như là niềm tự hào của mỗi người phụ nữ Mông đen nơi đây. Chị Ma Thị Hậu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, đầu năm 2025, chị sẽ kết nối mọi người, thành lập Tổ thêu dệt thổ cẩm của người Mông đen trong xã để lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, chị hy vọng những bộ trang phục của người đồng bào dân tộc Mông đen sẽ trở thành sản phẩm thu hút du khách khi đến với Lâm Bình, tạo thêm cơ hội cho người dân phát triển kinh tế.
Anh Tráng A Và (bên trái), thôn Nà Coóc vui mừng khi gia đình được hỗ trợ xây dựng ngôi nhà khang trang.
Người Mông đen vẫn giữ thói quen đụng lợn mỗi khi Tết đến, Xuân về. Các gia đình sẽ chung nhau mổ những con lợn béo nhất, ngon nhất từ khoảng 24-25 Tết. Những miếng thịt ngon sẽ được đem đi ướp làm thịt gác bếp ăn Tết, làm nhân gói bánh chưng và chế biến thành nhiều món ngon khác nhau. Tối ngày 30 Tết, đàn ông Mông đen thường dán giấy gió vào những dụng cụ lao động và đồ vật trong nhà như: cuốc, xẻng, dao, nồi… Ông Ma Bá Kiều, người uy tín của thôn chia sẻ, dụng cụ lao động sẽ được nghỉ ngơi trong mấy ngày Tết. Qua tết, chọn được ngày đẹp thì sẽ bỏ giấy dán và khai xuân bằng những dụng cụ lao động đó. Việc làm này như lời cảm ơn vì đồ vật trong nhà đã cùng họ chăm chỉ lao động suốt một năm qua.
Trong ngày Tết, người Mông đen sẽ chơi ném Pao, đánh cù, thổi kèn… Ông Tráng A An, Trưởng thôn Nà Coóc cho biết, những hoạt động văn hóa, thể thao là một phần quan trọng trong việc gắn kết tình làng, nghĩa xóm, là khởi đầu cho một năm mới với những điều mới mẻ đang chờ đón.
An cư lạc nghiệp
Ngay từ khi đặt chân đến với thôn Nà Coóc tôi đã rất ấn tượng bởi con đường bê tông dài tăm tắp. Hai bên đường ngoài những ngôi nhà gỗ đặc trưng của vùng cao có rất nhiều ngôi nhà được xây kiên cố và còn khá mới.
Chị Tráng Thị Mỡ, thôn Nà Coóc, xã Bình An (Lâm Bình) ổn định kinh tế gia đình nhờ chăn nuôi bò sinh sản.
Anh An thông tin, ngoài gần 10 ngôi nhà được nhà nước hỗ trợ sửa chữa, xây mới trong năm, nhiều gia đình nhờ nuôi trâu bò, trồng rừng đã đủ điều kiện xây cho gia đình mình một ngôi nhà kiên cố. Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà nước đã quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp. Gia đình anh Tráng A Và không giấu nổi niềm vui và xúc động khi năm nay gia đình anh sẽ được ăn Tết trong ngôi nhà vẫn thơm mùi tường mới. Anh Tráng A Và bày tỏ, gia đình anh nhận được hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà mới. Đến bây giờ khi ngôi nhà đã hoàn thành, mọi chuyện với anh cũng vẫn như một giấc mơ. Ngôi nhà kiên cố sẽ là động lực để gia đình anh cố gắng vươn lên thoát nghèo.
Người dân thôn Nà Coóc chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp. Hiện tại, đàn trâu của thôn có khoảng 374 con, đàn bò 420 con, tăng hơn so với năm 2023. Gia đình chị Tráng Thị Mỡ bắt đầu nuôi bò sinh sản từ năm 2022. Năm 2024, chị Mỡ xuất bán được 3 con bò giống. Thăm chuồng bò của gia đình chị Mỡ, chúng tôi đếm sơ cũng thấy có 7-8 con bò với đủ độ tuổi. Chị Mỡ bảo, nhờ có các cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn cách chăm sóc, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ nên đàn bò của gia đình chị không bị mắc bệnh gì, phát triển khỏe mạnh. Chắc chắn, năm nay các con chị sẽ có thêm những bộ quần áo mới, mâm cơm Tết cũng sẽ đủ đầy hơn.
Cuộc sống có nhiều sự mới mẻ nhờ nhân dân trong thôn luôn đoàn kết, sống chan hòa giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng kinh tế hộ gia đình. Trong thôn không có tình trạng vi phạm an ninh trật tự. Nà Coóc đang tràn đầy sức xuân, bên bếp lửa hồn g, những món ăn truyền thống của chuẩn bị chu đáo để đón năm mới, qua đó càng chứng minh rõ hơn sự no ấm, đủ đầy.
Trời đã xẩm tối, mưa xuân lất phất bay, trên con đường bê tông ững phụ nữ Mông bước đi thoăn thoắt, theo sau là đám trẻ xúng xính trong bộ quần áo mới. Phía xa, giai điệu kèn lá cùng lời ca đang vang vọng núi rừng. Mùa xuân này, thôn Nà Coóc chắc hẳn sẽ vui hơn…
Gửi phản hồi
In bài viết