Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Lâm (Hàm Yên) chế biến cam sấy khô.
Dẫn chúng tôi tham quan cơ sở chế biến cam sấy của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh Yên Lâm, xã Yên Lâm, chị Nguyễn Thị Tĩnh, Giám đốc HTX cho biết, gia đình chị trồng hơn 5 ha cam vinh, sành, mỗi năm thu 30 - 40 tấn quả. Thế nhưng, cũng như bao người trồng cam khác, chị Tĩnh không tránh khỏi vòng xoáy luẩn quẩn “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây khi dịch Covid-19 bùng phát, gây ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ các loại nông sản nói chung và cam nói riêng, dẫn đến giá bán cam tươi không ổn định, có những thời điểm, chính quyền địa phương, tỉnh phải vào cuộc, vận động hỗ trợ tiêu thụ.
Năm 2021 qua tìm hiểu, nhận thấy mô hình cam sấy là một hướng đi mới, phù hợp với nhu cầu thị trường, chị bắt tay vào sản xuất và thành lập HTX Nông nghiệp xanh Yên Lâm. Với 16 thành viên tham gia, HTX hiện có hơn 49 ha cam trồng theo hướng VietGAP. Từ năm 2022 đến nay, HTX đã cung ứng ra thị trường hơn 2 tấn cam sấy với giá bán dao động 150-200 nghìn đồng/kg và được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Bình Định, TP Hồ Chí Minh… Thời gian tới, chị sẽ gia tăng sản lượng cam sấy thành phẩm và chế biến thêm sản phẩm trà túi lọc, nhằm giảm bớt áp lực tiêu thụ cam tươi vào cao điểm thu hoạch rộ.
Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Lâm (Hàm Yên) chế biến cam sấy khô.
HTX nông sản và dược liệu Minh Thảo, thị trấn Tân Yên đã áp dụng công nghệ hiện đại sản xuất các sản phẩm cam sấy khô, sấy dẻo…hình thành được chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho người dân. Chị Lương Minh Thảo, Giám đốc HTX chia sẻ, sản phẩm cam sấy không còn quá mới mẻ với người tiêu dùng. Vì vậy, muốn xây dựng một thương hiệu mới, HTX phải chú trọng vào chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, yên tâm khi sử dụng.
Hiện HTX đầu tư 4 máy sấy nhiệt với công suất sấy 300kg cam sấy khô/ngày. Cam tươi ngay sau khi thu hoạch được vận chuyển về xưởng sản xuất của HTX để làm sạch, thái lát bằng máy và đưa vào hệ thống máy sấy nhiệt. Một mẻ cam sấy kéo dài trong khoảng 24 giờ, trung bình, khoảng 12 kg quả tươi sau khi sấy sẽ cho khoảng 1 kg cam sấy khô. Mỗi năm HTX sản xuất được 30 tấn cam sấy khô. Cam sấy thành phẩm được đóng gói và xuất bán ra thị trường. Ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm của HTX còn được xuất khẩu qua các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông. Ngoài sản phẩm cam sấy, HTX còn sấy dứa, chanh, hoa đu đủ, trà hoa vàng…, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm cam sấy của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Lâm (Hàm Yên).
Ngoài HTX Nông nghiệp xanh Yên Lâm, HTX nông sản và dược liệu Minh Thảo, còn có HTX dược liệu Thuận Hằng, HTX Thảo Mộc Việt… đang sản xuất các sản phẩm cam sấy và một số củ, quả sấy. Đồng chí Vũ Tất Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên cho biết, vùng nguyên liệu tươi dồi dào được chăm sóc theo quy trình đảm bảo cho ra sản phẩm cam sấy an toàn. Bên cạnh đó, việc sản xuất cam sấy sẽ thúc đẩy sơ chế đầu vào, giảm chi phí và tỷ lệ hao hụt trong quá trình vận chuyển, giữ giá cả ổn định, giảm khâu trung gian, giảm phụ thuộc vào mùa vụ. Sản phẩm cam sấy có thể sử dụng trực tiếp, pha trà, làm dược liệu tiện lợi và tốt cho sức khỏe.
Việc chế biến sâu, tận dụng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương có giá thành thấp chế biến thành sản phẩm có giá trị cao, tận dụng lao động nông nhàn tại địa bàn dân cư, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, sản phẩm cam sấy đang mở ra những hướng mới trong chế biến nông sản, hướng tới nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết