Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến ngày 5-2, toàn tỉnh gieo cấy được 11.764 ha lúa xuân, mạ xuân từ 2 - 3 lá, đang phát triển bình thường và ít bị sâu bệnh hại. Tuy nhiên, một số địa phương đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất đã ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy.
2 lần hồ thủy điện Tuyên Quang xả nước, phục vụ lấy nước gieo cấy lúa xuân vùng hạ lưu, tuy nhiên tại xã Đông Thọ (Sơn Dương) nhiều cánh đồng vẫn phải chờ nước để làm đất gieo cấy lúa. Ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó Ban Quản lý công trình thủy lợi xã buồn rầu cho biết, mực nước sông Lô hạ thấp khiến toàn bộ hệ thống đường ống, máy bơm của trạm bơm Xạ Hương bị treo cách mặt nước 30 - 35 cm. Đứng trước khó khăn, Ban đã phải thực hiện biện pháp chống hạn khẩn cấp, đó là thuê máy xúc đào ao ngay tại bờ sông đồng thời huy động 5 máy bơm dã chiến bơm nước tăng bo 3 ngày từ sông vào ao, tiếp đó mới vận hành trạm bơm để dẫn về các xứ đồng. Nguồn nước khó khăn khiến cho tiến độ gieo cấy của một số thôn trên địa bàn xã bị chậm. Tạm thời nước mới đủ để bà con xã Đông Thọ gieo cấy, nếu thời tiết tiếp tục có những bất thuận, mực nước sông Lô xuống thấp thì việc bơm nước tưới dưỡng cho cả quá trình sinh trưởng của cây lúa sẽ còn khó, ông Đoàn lo lắng.
Bà con nông dân thôn Cây Xy, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) tranh thủ thời tiết mưa ẩm gieo trồng ngô lấy hạt.
Bà Nguyễn Thị Sen, thôn Xạ Hương cho biết, cùng thời điểm này vụ xuân năm ngoái gia đình bà và nhiều bà con trên cánh đồng Xạ Hương lúa đã bén rễ, hồi xanh, năm nay nước khó khăn buộc gia đình phải chuyển thời vụ từ trà chính sang trà muộn.
Báo cáo của Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh, thời tiết khô hanh kéo dài đã làm giảm mực nước tích trong các hồ chứa đây là nguyên nhân dẫn đến mực nước tại các hồ năm nay chỉ đạt khoảng 50 - 60%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Hơn nữa hồ thủy điện Tuyên Quang năm nay chỉ thực hiện xả nước phục vụ sản xuất 2 đợt thay vì 3 đợt như vụ xuân 2022 khiến cho nguồn nước tưới phục vụ gieo cấy lúa xuân khó càng thêm khó.
Cùng với lúa, tiến độ gieo trồng cây màu và một số cây trồng khác cũng chậm so với vụ xuân 2022. Hiện mới chỉ có 1.569,7 ha ngô, 1.559,8 ha lạc gieo trồng, riêng cây mía còn thấp hơn nhiều, tổng hợp đến ngày 8-2, toàn tỉnh mới trồng 45,4 ha mía, đạt 6,5% kế hoạch. Thời tiết hanh khô kéo dài cộng với tháng 2 âm lịch nhuận dẫn đến tâm lý của nhiều bà con nông dân không vội trong sản xuất. Đây là nguyên nhân khiến cho tiến độ gieo trồng cây vụ xuân chậm hơn.
Nhận định của các chuyên gia nông nghiệp, năm 2023 nhuận tháng 2 âm lịch, thời tiết sẽ có những diễn biến bất thuận, nhiều khả năng tiếp tục xuất hiện rét đậm, vùng núi cao rét hại về đêm và sáng sớm, ít mưa gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng vụ xuân 2023.
Đồng chí Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, trước tình hình sản xuất vụ xuân hiện nay, Chi cục đã có văn bản về việc tăng cường tổ chức sản xuất và chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Tuyên Quang, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố chủ động phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra đồng ruộng, đôn đốc, hướng dẫn bà con thực hiện làm đất, trồng, chăm sóc, phòng chống hạn, rét cho cây trồng. Riêng đối với cây lúa, bám sát lịch lấy nước về đồng ruộng, tăng cường áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất, để đảm bảo tiến độ gieo trồng đúng khung thời vụ không để mạ bị quá tuổi cấy. Trên cây ngô, lạc và các cây trồng khác tranh thủ trời mưa, đất ẩm bà con khẩn trương làm đất, đẩy nhanh tiến độ gieo trồng đảm bảo tỷ lệ mọc mầm cao. Đối với cây mía, các địa phương phối hợp với Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng đã ký; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những vướng mắc, phát sinh tại cơ sở, bảo đảm tiến độ thu hoạch Mía niên vụ 2022 - 2023, tiến độ trồng và chăm sóc mía nguyên liệu niên vụ 2023 - 2024.
Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, công ty đã cấp 1.800 tấn mía, 2.100 tấn phân về các địa phương đồng thời bố trí máy làm đất khi bà con nông dân gọi sẵn sàng phục vụ.
Phòng chống hạn cho cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn cho sản xuất, không để ruộng lúa sau cấy, gieo sạ bị khô hạn. Ban quản lý công trình thủy lợi điều tiết nước hợp lý, bà con nông dân triển khai các biện pháp giữ nguồn nước tại các chân ruộng, hạn chế thất thoát. Những diện tích lúa không đảm bảo nguồn nước tưới dưỡng cho suốt vụ, chuyển đổi sang loại cây trồng cạn khác sử dụng ít nước hơn để đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Gửi phản hồi
In bài viết