Đi lên từ hai bàn tay trắng
Năm 1995, một số nơi rộ lên phong trào buôn trâu Bắc - Nam, ông Oanh khi ấy đã thăm dò tình hình và tìm cơ hội học nghề. Không có vốn nên ban đầu ông xin đi dắt trâu cho các chủ buôn. Do tư chất thông minh, lanh lợi nên ông sớm học được các bí quyết buôn bán. Sau một thời gian làm thuê, tích góp được số vốn ông quyết định tách ra làm riêng. Vừa làm, ông vừa kêu gọi bạn bè góp vốn để kinh doanh, ông còn sang Campuchia, Thái Lan mua các con trâu “khủng” đưa về nhân giống, bán, cung cấp trâu chọi cho các lễ hội chọi trâu truyền thống ở các tỉnh, thành trong cả nước. Những con trâu xấu được thịt ông bán cho các đầu mối thực phẩm tại các tỉnh, thành.
Ông Hoàng Văn Oanh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (bên trái) giới thiệu sản phẩm trâu, bò được chế biến tại HTX Tiến Thành.
Từ “hai bàn tay trắng”, ông Oanh đã tạo dựng được sự nghiệp nhờ nghề kinh doanh trâu, bò. Năm 2017, ông quyết định thành lập HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành. Ngay sau khi thành lập, mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò thịt an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm được HTX triển khai thực hiện dưới sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Trung bình mỗi năm, HTX cung ứng và bao tiêu hàng nghìn con trâu, bò cho các xã thuộc huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn, Hàm Yên, Lâm Bình... nuôi vỗ béo theo hình thức hợp đồng thỏa thuận và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Ông Lương Hải Tuyên, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) chia sẻ, trước đây ông chỉ chăn nuôi theo kiểu truyền thống, chăn thả tự nhiên, việc chăn nuôi chủ yếu để lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ việc chỉ quen tận dụng đồng cỏ tự nhiên, sau khi được ông Oanh hướng dẫn cách ủ rơm rạ, trồng cây vụ đông, tận dụng cây ngô, lá mía để làm thức ăn cho đàn trâu, từ 5 con trâu nuôi thử nghiệm, lứa thứ 2 ông nuôi 7 con, lứa thứ 3 tăng lên 14 con.
Sau thời gian chăn nuôi vỗ béo khoảng 3 đến 5 tháng, HTX Tiến Thành đến thu mua lại bằng hợp đồng ký kết. Không chỉ cung cấp trâu, bò và mua lại sau thời gian tăng trưởng đảm bảo có lãi cho người chăn nuôi, HTX Tiến Thành còn ký kết hợp đồng mua bán các loại thức ăn tinh, liên kết chặt chẽ với cán bộ thú y trong việc theo dõi, đánh giá chất lượng, sức khỏe, phòng trừ dịch bệnh từ khi bắt đầu nuôi đến khi xuất bán. Nhờ mạnh dạn trong chăn nuôi, đến nay gia đình ông có thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Sản phẩm thịt trâu khô Tiến Thành được chế biến, đóng gói trước khi đưa ra thị trường.
Vượt khó trong đại dịch
Do ảnh hưởng dịch bệnh, từ việc nhập khẩu, tiêu thụ hàng trăm nghìn con trâu, bò, gia súc mỗi năm, vài năm trở lại đây HTX Tiến Thành rơi vào cảnh khó khăn khiến việc giao thương buôn bán không thể triển khai. Bên cạnh đó, các sản phẩm thịt trâu, bò đã nhập về cũng không thể chế biến để xuất khẩu đã làm cho các hộ dân, các HTX liên kết phải kéo dài thời gian chăn nuôi. Trong khi đó, sản phẩm trâu khô được HTX chế biến cũng tiêu thụ chậm; khó khăn về nguồn vốn... Để tháo gỡ khó khăn, HTX đã tính đến việc mở rộng thị trường sang các nước khu vực Châu Phi. HTX cũng tiến hành các bước thành lập các công ty tại một số nước Châu Phi với mong muốn liên kết thu mua, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trâu, bò, tạo sinh kế, ổn định thu nhập cho người dân.
Khắc phục khó khăn, để việc tiêu thụ sản phẩm trâu, bò được mở rộng, năm 2020, HTX Tiến Thành đầu tư xây dựng chợ đầu mối ở phường An Tường (TP Tuyên Quang) với diện tích 12.000 m2, tổng kinh phí đầu tư gần 28 tỷ đồng để giới thiệu và tiêu thụ nông sản là các sản phẩm OCOP của địa phương và khu vực. Đồng thời, xây dựng xưởng chế biến, đóng gói thịt trâu tươi, thịt trâu khô tại phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang).
Tham gia chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo đã giúp gia đình ông Lương Hải Tuyên, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) có kinh tế ổn định.
Hiện, sản phẩm thịt trâu khô Tiến Thành đã được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao. Những sản phẩm từ thịt trâu đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, được đóng gói, có bao bì, nhãn mác, mã truy xuất nguồn gốc, mã vạch đảm bảo an toàn được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2021, ông Hoàng Văn Oanh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành vinh dự là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021”.
Nói về kế hoạch trong năm 2023, ông Hoàng Văn Oanh chia sẻ, HTX Tiến Thành dự kiến trong năm 2023 hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động của Trung tâm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản OCOP liên tỉnh tại tổ 17, phường An Tường (TP Tuyên Quang) kết hợp với phục hồi các sản phẩm nông sản đặc sản vùng miền. Trong đó, HTX chú trọng quảng bá các sản phẩm trâu ngố Tuyên Quang, bò H’Mông... Do đó, HTX rất cần sự hỗ trợ về chính sách vay vốn, kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa, mở rộng thị trường nhập khẩu trâu, bò và tiêu thụ thịt trâu, bò từ các bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết