Chăm sóc cây trồng trong điều kiện thời tiết bất thuận

- Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh gieo cấy trên 18.300 ha lúa, trồng trên 8.800 ha ngô, 3.370 ha lạc và trên 1.500 ha rau củ. Sau các đợt mưa rét kéo dài khiến hầu hết diện tích lúa và hoa màu vụ đông xuân sinh trưởng kém. Hiện nay, thời tiết đang ấm dần, nông dân cần tập trung thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp để cây trồng phục hồi, phát triển.

Trên cánh đồng lúa của thôn Hợp Thịnh, xã Ninh Lai (Sơn Dương), diện tích lúa đông xuân đang bước vào giai đoạn bén rễ. Những ngày gần đây, liên tiếp các đợt mưa xuân, không khí nồm ẩm rất phù hợp để cây lúa sinh trưởng, phát triển, song kèm theo đó là yếu tố thuận lợi để sâu bệnh gây hại. Vì vậy, chính quyền địa phương đang tập trung chỉ đạo cán bộ chuyên môn, nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để theo dõi tình hình phát triển của lúa, có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Gia đình bà Lương Thị Thơm, thôn Pá Tao, xã Hòa An (Chiêm Hóa) bón phân cho cây ớt.

Ông Trần Văn Trung, Trưởng thôn Hợp Thịnh cho biết, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh, rét đậm, rét hại kéo dài, các loại cây trồng vụ đông xuân của gia đình ông và các hộ trong thôn đều bị ảnh hưởng, sinh trưởng, phát triển kém. Những ngày này khi thời tiết ấm lên, gia đình ông và bà con đã tích cực ra đồng chăm sóc, dặm lại, bón phân, làm cỏ, theo dõi sâu bệnh hại cây lúa, ngô với mong muốn các loại cây trồng sẽ sớm phát triển tốt và đạt được năng suất khi thu hoạch. 

Cũng như ông Trung, những ngày này, bà Lương Thị Thơm, thôn Pá Tao, xã Hòa An (Chiêm Hóa) cũng gác lại toàn bộ công việc khác để bám ruộng chăm sóc ớt. Bà Thơm cho biết, vụ này gia đình trồng 7 sào ớt. Hơn 2 tháng nay, do thường xuyên xuất hiện những đợt mưa kèm theo rét lạnh kéo dài nên cây ớt phát triển chậm. Ngay sau tết, bà Thơm đã làm cỏ, tỉa dặm, rồi mua phân về bón nhằm giúp cây ớt phục hồi và sinh trưởng tốt.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tuyên Quang, thời gian tới, thời tiết tiếp tục xuất hiện rét đậm, vùng núi cao rét hại về đêm và sáng sớm, ít mưa gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng vụ đông xuân. Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, để giảm thiểu ảnh hưởng thiệt hại do thời tiết và hướng tới một vụ mùa thắng lợi, Chi cục đã tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cho bà con ngay từ khâu xác định khung thời vụ, làm đất, xuống giống đến chăm sóc các loại cây trồng.

Ông Tuyên lưu ý, trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, nhất là mưa lạnh kéo dài nhiều đợt, đối với cây lúa bà con cần duy trì mực nước trong ruộng tối thiểu 2 - 3 cm để giữ ấm cho cây lúa, tăng cường bón tro rơm rạ, trấu và phân lân. Khi nhiệt độ ấm trở lại mới tiến hành chăm sóc, sục bùn kết hợp bón phân đạm, kali và bổ sung phân chuồng hoai để kích thích rễ phát triển. Đối với cây ngô, lạc  khi nhiệt độ thấp dưới 15oC tạm dừng việc gieo hạt, chăm sóc. Đối với diện tích đã trồng, khi thời tiết ấm tập trung chăm sóc, bón tăng lượng phân kali, phân lân và tưới nước đủ ẩm để cây khoẻ tăng cường khả năng chống rét. Đối với các loại cây trồng cạn và rau củ, ngành nông nghiệp đề nghị chính quyền các cấp cùng ngành chuyên môn tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tỉa dặm nhằm đảm bảo mật độ phù hợp trên đồng ruộng.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nhận định, vụ đông xuân là vụ có nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại. Trên cây lúa có thể xuất hiện bệnh nghẹt rễ vàng lá sinh lý, bệnh đạo ôn lá, giòi đục nõn, bọ xít đen, rầy nâu, rầy lưng trắng. Trên cây ngô, sâu keo mùa thu, bệnh huyết dụ, bệnh lùn sọc đen, đốm lá. Cây lạc sẽ xuất hiện bệnh huyết dụ, bệnh lùn sọc đen, đốm lá sẽ phát sinh gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lạc. Các loại sâu hại, như: sâu xanh, sâu khoang, sâu cuốn lá lạc có thể phát sinh sớm với mật độ cao và gây hại trên diện rộng.

Để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, bảo đảm năng suất, chất lượng, chi cục đề nghị chính quyền, cơ quan chuyên môn các địa phương chỉ đạo cán bộ chuyên môn và bà con nông dân tập trung thực hiện các biện pháp chăm sóc cây trồng như: Thường xuyên theo dõi, bám sát đồng ruộng để phát hiện sớm các loại sâu, bệnh phát sinh, từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời, phù hợp. Khi sâu bệnh đến ngưỡng cần phải thực hiện phun trừ, khuyến khích bà con nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm bảo vệ môi trường. Tùy từng loại cây trồng và giai đoạn sinh trưởng, chú ý tưới nước đảm bảo đủ độ ẩm cho cây phát triển...

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục