Kiểm soát quá trình sản xuất trên đồng ruộng qua thiết bị điện thoại thông minh của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood-Ðà Lạt, tỉnh Lâm Ðồng.
Tại HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát, huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai, các thành viên trụ cột của HTX đều đã ở tuổi 60. Sở hữu 8 trang trại chăn nuôi công nghệ cao phân bố ở hai tỉnh Ðồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, mỗi năm, HTX xuất chuồng khoảng 7,5 triệu con gà thịt, thu lợi nhuận hơn 30 tỷ đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm thành công của một HTX mới được thành lập năm 2017, nhưng lại sớm thu về thành quả rực rỡ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Long Thành Phát Lê Văn Quyết cho biết: “Nếu tham gia HTX mà chỉ bỏ tiền vào rồi giao lại cho ban Giám đốc điều hành và chờ hưởng lợi thì chắc chắn nó sẽ bể.
Ðầu tiên mình phải đặt ra một câu hỏi bây giờ liên kết với ai, theo hướng nào, quá trình sản xuất phải có mô hình chuẩn. Tiếp đến là chọn những người có kinh nghiệm, những người cùng quan điểm thống nhất với mình. Chúng tôi có quan điểm muốn đi nhanh đi một mình, muốn đi xa đi cùng nhau, phải dắt tay nhau mà đi”.
Tạo dựng được lòng tin cho các thành viên là một trong những tiêu chí đầu tiên để HTX Long Thành Phát hoạt động hiệu quả.
Muốn HTX phát triển, nông dân cần phải cùng nghiên cứu, tính toán để làm ra sản phẩm ngày càng tốt hơn và “bán cái thị trường cần chứ không bán cái mình có”. Ðó cũng là bài học xương máu mà Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood - Ðà Lạt (tỉnh Lâm Ðồng), Phạm Ngọc Thạch đúc rút được trong quá trình vận hành HTX của mình.
Những ngày đầu thành lập, bà con HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood - Ðà Lạt trồng các loại rau nhưng cũng chỉ đủ dùng. Nhận thấy nhu cầu về rau an toàn, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, đạt chuẩn VietGAP là tất yếu nên các khâu sản xuất của HTX đều sản xuất theo quy chuẩn.
Sau 5 năm, HTX đã có hơn 200 thành viên tham gia góp vốn, doanh thu mỗi năm khoảng 72 tỷ đồng. Chủ tịch Phạm Ngọc Thạch khẳng định: “Ðiều quan trọng nhất trong hoạt động của HTX là phải xác định được sản xuất để bán cho ai và phải thực hiện theo quy trình chuẩn mực. Bên cạnh đó, khi các thành viên đầu tư bao nhiêu thì được quyền lợi bấy nhiêu…”.
Trên thực tế, quản trị HTX không hề đơn giản, nhất là khi chỉ có khoảng 16% số cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; còn tới 51% số cán bộ HTX chưa qua đào tạo. Vì vậy, phát triển HTX đi kèm với nâng cao năng lực cho cán bộ là vấn đề được quan tâm.
Hiện có rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ về làm việc tại các HTX cho thấy, mô hình HTX vẫn hấp dẫn người tài. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi ban lãnh đạo HTX phải dám nghĩ, dám làm và dám thay đổi.
Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều HTX nông nghiệp đã chủ động liên kết với doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ. Theo Chủ tịch Hội đồng cố vấn chương trình Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Ðàm Quang Thắng, thành tựu khoa học-công nghệ và chuyển đổi số đang tạo ra bước chuyển lớn trong tư duy quản trị chất lượng của các HTX nông nghiệp. Ở Việt Nam hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã tiên phong đưa IOT, blockchain vào để tạo sản phẩm sạch và minh bạch trong sản xuất hàng hóa.
Áp lực cạnh tranh toàn cầu cùng biến động về thị trường, thiên tai dịch bệnh những năm tới sẽ trở thành thách thức lớn đối với tổ chức kinh tế HTX nông nghiệp nước ta. Muốn phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho thành viên, HTX cần được quản trị tốt dựa trên việc khai thác hiệu quả nguồn lực con người, kiểm soát chất lượng sản phẩm và các yếu tố rủi ro trong quá trình hoạt động.
Gửi phản hồi
In bài viết