Thực tế, việc thu gom, xử lý rác thải là vấn đề nan giải không chỉ ở đô thị mà cả vùng nông thôn. Đất chật, người đông, lượng rác thải đa dạng, tăng lên khiến việc xử lý ngày càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu làm tốt vấn đề phân loại rác ban đầu trong mỗi hộ dân thì bài toán nan giải phần nào được giải đáp. Bởi vì, lượng rác thải có loại thùng, chai nhựa, túi nilon có thể tái sử dụng hoặc bán đồng nát; còn rác hữu cơ mà được thu gom, xử lý tại nguồn ủ làm phân bón, vừa tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển đi xử lý.
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn các hộ ở tổ 15, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang)
cách xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón.
Từ thực trạng đó, Hội Nông dân tỉnh triển khai mô hình điểm ở tổ 15, phường Tân Hà. Hội đã hỗ trợ thùng đựng rác hữu cơ, chế phẩm vi sinh cho 210 hộ hội viên, hộ dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ cách phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ làm phân bón. Cùng với đó, Hội Nông dân phường Tân Hà đã vận động xã hội hóa mua thùng phân loại rác đặt tại 5 điểm ở tổ 15. Các cán bộ hội các cấp đã hướng dẫn, giúp đỡ những hộ dân sử dụng chế phẩm sinh học trên diện tích 5 ha ruộng. Hiệu quả dùng chế phẩm vi sinh trên đất ruộng đã được khẳng định, mang lại kết quả tích cực giúp cải tạo đất, xử lý triệt để cỏ, rơm rạ sau thu hoạch. Từ đó, giảm đáng kể chi phí trong sản xuất từ việc giảm thiểu thuốc trừ cỏ, giảm phân bón, tăng năng suất lúa.
Điều đáng mừng khi mô hình triển khai được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo chuyển biến rõ nét. Các hộ đều chủ động phân rác ngay từ ban đầu, rác vô cơ được thu gom bỏ đúng nơi quy định; còn rác hữu cơ được gom cho vào thùng đựng rác sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý. Cũng như các hộ khác, khi được tuyên truyền, hướng dẫn, các thành viên gia đình bà Nguyễn Thị Tiện, tổ 15, phường Tân Hà đã hiểu rõ, dần hình thành thói quen phân loại rác trong sinh hoạt, trong đó ưu tiên “giữ lại” rác hữu cơ để ủ làm phân bón cho vườn rau.
Bà Tiện hào hứng chia sẻ: “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại nguồn khá đơn giản, nhanh gọn vì chỉ cần có ý thức, thay đổi thói quen là các hộ đều làm tốt. Rác vô cơ gom vào túi bóng, xô mang đi đổ đúng nơi quy định để vận chuyển đi xử lý tập trung. Còn rác hữu cơ như: lá, cọng rau, vỏ hoa quả… gom cho vào thùng, tưới chế phẩm vi sinh sau 20 ngày là có thể dùng làm phân bón cho cây trồng. Nhờ đó, gia đình bà giảm tới 1/2 lượng rác phải mang đi đổ so với trước đây. Ưu điểm, thùng rác hữu cơ được xử lý bằng chế phẩm sinh học nên không có mùi hôi thối, không gây ô nhiễm môi trường”.
Đồng chí Nguyễn Thị Vĩnh An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, triển khai mô hình điểm tại phường Tân Hà là cụ thể hóa thực hiện nhiệm vụ đột phá, đổi mới do Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho toàn hệ thống Hội trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Mô hình đã giúp nhân dân hình thành thói quen phân loại rác ban đầu và có giải pháp xử lý rác hữu cơ làm phân bón; giảm thiểu lượng lớn rác thải ra môi trường. Đồng thời, khi đưa chế phẩm vi sinh vào đồng ruộng giúp cải tạo đất sẽ giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng tới sản xuất an toàn, thân thiện môi trường. Từ mô hình này, Hội Nông dân tỉnh sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn tỉnh. Đến năm 2025, phấn đấu 100% cơ sở hội xây dựng được ít nhất mô hình “Phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn”.
Gửi phản hồi
In bài viết