Nâng giá trị sản phẩm nhờ sản xuất nông nghiệp hữu cơ

- Ngoài những lợi ích về kinh tế, được thị trường ưa chuộng, điểm đặc biệt hơn cả là sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu nhằm đáp ứng thị hiếu người dùng và phát triển nông nghiệp bền vững.

Gia đình anh Nguyễn Mạnh Thắng, thôn Trung Long, 
xã Trung Yên (Sơn Dương) thu hái chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Theo Chủ tịch Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Lê Bình, sự khác biệt giữa sản xuất hữu cơ với sản xuất an toàn hay sản xuất thông thường là ở quy trình sản xuất. Sản xuất hữu cơ tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học, thuốc kích thích, thuốc diệt cỏ còn sản xuất theo phương pháp an toàn vẫn sử dụng một số lượng nhất định thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Chính vì vậy, nếu so về chất lượng và lợi ích môi trường thì sản xuất hữu cơ  mang tính bền vững nhất.

Đầu năm 2019, huyện Sơn Dương lựa chọn 3 ha chè từ 5 đến 7 tuổi của HTX Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên để thực hiện mô hình sản xuất hữu cơ. Giống chè tham gia mô hình là chè Trung du và chè lai NDP1. Các diện tích chè chăm sóc theo quy trình hữu cơ được tái thiết đất trong 2 năm sử dụng phân vi sinh để loại bỏ tồn dư phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Sau 2 năm triển khai thực hiện, diện tích được cấp chứng chỉ sản xuất hữu cơ. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, thôn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) nhẩm tính, với 2 ha chè của gia đình chăm sóc theo quy trình hữu cơ năng suất giảm 30% so với chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng chất lượng chè được đảm bảo hơn và giá bán cao gấp đôi. Cụ thể, mỗi sào chè  hữu cơ mỗi lứa thu được 20 kg chè khô, giá bán 500.000 - 600.000 đồng/kg, chè VietGAP chỉ bán với giá 250.000 đồng/kg. Tính ưu việt của sản xuất chè theo quy trình hữu cơ là tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn cho sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Diện tích chè Shan Na Hang mọc trên đỉnh núi cao, người dân không chăm sóc bằng bất cứ loại phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật nào. Ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc HTX Sơn Trà cho biết, hiện HTX có khoảng hơn 24 ha chè Shan cổ thụ đã được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ, hiện nay mỗi năm HTX chế biến, bán ra thị trường gần 10 tấn chè thành phẩm, doanh thu hơn 2 tỷ đồng.


Sản phẩm chè của HTX Ngân Sơn Trung Long (Sơn Dương) được cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp
hữu cơ có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Không chỉ mang lại giá trị về kinh tế, sản xuất nông nghiệp theo quy trình hữu cơ còn mang lại các giá trị về môi trường; an toàn thực phẩm cho người sử dụng. Trước đây, gia đình bà Đỗ Thị Thanh, thôn Yên Sở, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) cũng như các hộ dân trong xã chăm bón bưởi bằng các loại phân vô cơ để cây sai quả hơn. Bà Thanh cho biết, chỉ được một, hai năm đầu, những năm tiếp theo đất đai bạc màu, thậm chí cỏ cũng không thể mọc được, cây bưởi giảm giá trị. Năm 2019, gia đình bà cùng 42 hộ dân tại xã tham gia HTX trái cây hữu cơ Phúc Ninh. Các thành viên thực hiện phương pháp canh tác mới, không sử dụng các loại phân, thuốc hóa học cho cây. Thay vào đó là sử dụng phân vi sinh do doanh nghiệp liên kết cung cấp kết hợp với thu gom phân chuồng từ một số hộ gia đình trên địa bàn thôn, xã về ủ mục bón cho cây; nước được khai thác từ nguồn nước ngầm và được kiểm định rõ ràng nên bảo đảm sạch để cung cấp cho cây.

Theo bà Thanh, sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp gia đình nâng cao thu nhập mà còn bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và người trực tiếp canh tác trong môi trường an toàn không có  thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ...

Hiện nay, không ít gia đình đã lựa chọn sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm giải quyết bài toán nâng cao giá trị sản phẩm đi đôi với bảo vệ môi trường như HTX dịch vụ Phong Lưu (Hàm Yên), HTX sản xuất thương mại Quỳnh Nhi, Tổ hợp tác chăn nuôi gà Tân Tạo (TP Tuyên Quang), HTX Đồng Tiến (Lâm Bình), HTX chè Pà Thẻn (Chiêm Hóa)...

Hiện toàn tỉnh có 21 ha chè hữu cơ, 33 ha cam hữu cơ và 57 ha bưởi hữu cơ, đây là nền tảng để thực hiện chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay ngành Nông nghiệp tỉnh đang hỗ trợ người nông dân, tổ hợp tác, HTX chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ hướng tới các sản phẩm có tiêu chuẩn, chất lượng, bảo vệ môi trường... để đưa các sản phẩm nông sản tỉnh vươn xa hơn.

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục