Ông Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, sau hơn 6 năm triển khai cho vay nguồn vốn giải quyết việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc duy trì, mở rộng và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Đến ngày 10-5, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đạt trên 144 tỷ đồng, với 3.588 hộ còn dư nợ vốn vay.
Để nguồn vốn tiếp tục sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh bám sát các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hướng đầu tư tín dụng vào các mô hình, dự án mang tính xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Xưởng cơ khí của gia đình anh Lương Ngọc Thanh, tổ 8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) mở rộng quy mô sản xuất từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhu cầu vay vốn của người dân ngày càng cao so với nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội của tỉnh. Vì vậy, Ngân hành Chính sách xã hội tỉnh đã đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mở rộng việc làm, tạo cơ hội nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Trong thời gian vừa qua, người dân trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn từ dịch bệnh, thiên tai... Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, ổn định sản xuất, đảm bảo thu nhập, UBND tỉnh đã ủy thác 5 tỷ đồng trích một phần từ ngân sách địa phương để bổ sung, tạo nguồn vốn cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức cho vay thuộc đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Năm 2019, ông Nông Đức Thành, thôn Nà Làng, xã Thanh Tương (Na Hang) đã vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang để phát triển kinh tế chăn nuôi, kết hợp trồng cây ăn quả. Hiện nay, gia đình ông đang nuôi 3 con trâu, 9 con lợn sinh sản, hơn 20 con lợn thịt, trồng trên 6.000 m2 cam sành. Từ mô hình đã giúp cho gia đình ông mỗi năm thu lãi gần 100 triệu đồng. Ông Thành cho biết, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã kịp thời đáp ứng nhu cầu về vốn sản xuất cho các hộ nông dân như gia đình ông, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu.
Với hộ gia đình anh Lương Ngọc Thanh, tổ 8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) nguồn vốn vay ưu đãi như chiếc phao cứu sinh giúp gia đình anh vượt lên khó khăn. Trước năm 2018, vợ chồng anh mở xưởng sản xuất cơ khí, khung nhôm cửa kính. Do nguồn vốn tích lũy có hạn, số tiền đầu tư máy móc để sản xuất lớn, cho nên không có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất. Thông qua vốn ủy thác của Đoàn thanh niên, tháng 3-2018 gia đình anh vay 50 triệu đồng để đầu tư mua máy móc, trang thiết bị. Với bản chất cần cù, chịu khó và sáng tạo, anh Thanh đã nhanh chóng tạo được niềm tin của khách hàng. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 150 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Việc thực hiện có hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm giúp hàng nghìn lao động có việc làm, hỗ trợ nhiều cơ sở mở rộng mô hình sản xuất, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết